Khi Trần Tiến “nói phét”

TP - Trần Tiến là một ca độc đáo giữa làng nhạc sĩ. Nghệ sĩ, nhạc sĩ nào hẳn cũng trăn trở với đời sống, nhưng khác với đa số, Trần Tiến đưa trăn trở đó thành bài hát. Đôi khi đó còn là những trăn trở không có thật…

> Trần Tiến: Cười thì vẫn buồn, mà buồn thì vẫn cười

Khi đất nước lâm nguy, Trần Tiến viết về tình yêu tổ quốc. Ở buổi giao thời, Trần Tiến viết về những bất hợp lý tồn tại trong xã hội. Thời thị trường, ông có những bài hát quảng cáo lấy được tiền của doanh nghiệp mà khán giả vẫn thích nghe.

Ca sĩ Tấn Minh: “Có những điều tưởng chừng như không thể thành bài hát, thì Trần Tiến vẫn viết được”. Trần Tiến cũng có một mảng âm nhạc về tâm linh, có thể gọi là nhạc Đạo. Có vẻ như ở tuổi đầu 6, ông bắt đầu chia sẻ chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống hơn là đau đáu về những hiện tượng bề mặt.

Trong đêm nhạc Như chờ từng giấc mơ 12-8 ở Hà Nội, Trần Tiến hát cho khán giả nghe một bài ông viết tặng Trịnh Công Sơn. Số là trong một lần bên bàn rượu, Trần Tiến bật ra mấy câu. Trịnh Công Sơn tâm đắc giục viết tiếp.

Vậy là Ra ngõ tụng kinh ra đời. Và liên tiếp các ngày sau đó, Trần Tiến nối dài chùm ca khúc Ra ngõ… Tổng cộng 43 bài. Nhưng cho đến giờ, mới chỉ có 3 bài được công bố nhờ Trần Thu Hà.

Một trong các bài đó: “Tôi về thăm anh trông người xanh xao anh đâu có khỏe/ Anh ngồi ngu ngơ trong chiều xanh mơ bên thềm lá đổ/ Anh Trịnh Công Sơn uống rượu lên cơn, nhé!/ Ô, buồn thì vẫn buồn, í a cười thì vẫn cười… Tôi tìm bia ôm, tôi tìm ca ve mắt xanh mắt đỏ/ Tôi tìm xích lô, tôi tìm hát rong trên đường cát bụi/…Ra ngõ mà chơi/ Không chơi thi ca thì chơi nhạc họa/ Không đi cầu kinh thì đi mà uống rượu/ Cuộc chơi năm tháng ra ngõ mà chơi/ Người chơi công danh, người chơi số phận/ Người chơi yêu đương, người chơi súng đạn/ Người chơi tốc độ, người chơi xổ số/ Ra ngõ mà chơi/ Ai không đi chơi vì không có tiền, thì đi nuôi chim và nuôi cây cảnh/ Tôi không đi đâu, tôi nuôi râu mình dài chơi/ Buồn thì vẫn buồn, í a cười thì vẫn cười…”

Còn một đoạn, Trần Tiến chưa hát cho khán giả tại Cung Hữu Nghị nghe: “Tôi tìm Jesus, tôi tìm Judas, thiên đường hư ảo/ Tôi tìm Quan Âm tôi tìm Sa-tăng chân trời góc bể/ Vỗ về vai tôi, Di Lặc cười tươi hát: Ô, Buồn thì vẫn buồn, í a cười thì vẫn cười…”

Qua bài hát có vẻ bông phèng này, người ta có thể thấy con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của nhạc sĩ. Ông trải qua nhiều cung bậc của đời sống, của cả tôn giáo để đi đến kết luận: Ai chơi gì thì chơi, nhưng nên nhớ đó chỉ là trò chơi.

“Mặt trời xanh” là hình ảnh được láy đi láy lại trong Ra ngõ tụng kinh. Chi tiết đó khiến Trịnh Công Sơn chú ý ngay: “Tiến, Tiến, kể cho anh cái mặt trời xanh của em ra sao!”.

Những gì Trần Tiến kể cho họ Trịnh, giờ đem kể lại cho khán giả: “Em đâu biết đâu, tự nhiên có một ngôi sao chổi tới gần Trái Đất. Các nhà khoa học tưởng nó chỉ là ngôi sao chổi đến rồi đi, không ngờ nó đứng lại.

Hệ Mặt Trời trở thành hệ lưỡng dương, mặt trời xanh, mặt trời đỏ ở cạnh nhau (khán giả cười, vỗ tay-PV). Vì có mặt trời xanh nên mặt trăng ở gần Trái Đất hơn.

Như vậy nước biển dâng lên thì California chìm trước, Nhật chìm sau, rồi đến Philippines... Lúc đó Việt Nam chỉ còn có ít mảnh đất thôi, thủ đô đặt ở Suối Vàng cách Lâm Đồng 60 cây số”.

Theo Trần Tiến kể thì em trai Trịnh Công Sơn sáng hôm sau lên ngay Lâm Đồng mua đất, xong về thông báo: “Anh Sơn à, Tiến nó nói thật, không còn một mảnh đất nào.” “Sao?” “Người ta mua hết rồi” (khán giả vỗ tay). Trần Tiến kết luận: “Giấc mơ mà, mơ cho nó vui.”

Cách đây 5 năm, Trần Tiến đã kể cho tôi câu chuyện này. Ông rào trước: “Anh nói phét đấy. Vì vậy đừng hỏi anh lấy tư liệu ở đâu nhá!”. Theo nhạc sĩ kể, thời mới vào TPHCM lập nghiệp (1978), ông gần như có khả năng ngoại cảm, đọc được ý nghĩ của người khác.

Nhờ tài “xem bói” mà ông và bạn bè có được nhiều bữa nhậu chùa. Khả năng đó kéo dài trong khoảng một năm rưỡi.

“Hồi đó thôi, bây giờ thì anh ngu rồi”, Trần Tiến nhăn nhó, vạch áo khoe mảng lưng đầy vết giác hơi. Giai đoạn đó, ông không được khỏe. Giờ đây, có vẻ như nhạc sĩ đã lấy lại phong độ. Và “nhà ngoại cảm” biết đâu cũng quay trở lại?!

Theo Báo giấy