> Trung Quốc hăm dọa dưới biển, 'lật kèo' trên bờ
Một mũi tên trúng 2 đích
Nhà nước mình nên có cơ chế đầu ra cho nghề câu mực, hạn chế sự bấp bênh giá cả, bởi ngoài việc mang lại nguồn lợi lớn cho bà con thì ngư dân câu mực chính là vành đai bảo vệ chủ quyền biển hiệu quả nhất .
Thuyền trưởng Hồ Văn Tình
Ông Hồ Văn Tình, chủ tàu ĐNa 90051 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), cho biết: Chuyến vừa rồi, tàu ông đánh bắt được 9 tấn mực, bán được gần 550 triệu đồng nhưng tổn phí cho chuyến đi đã hơn 500 triệu đồng.
Số còn lại chia cho thuyền viên, rồi hàng chục phí linh tinh khác, cuối cùng chủ tàu ôm lỗ. Chưa hết, thương lái còn nợ 180 triệu đồng vẫn chưa trả vì “bên Trung Quốc họ không nhận hàng, chưa trả tiền”.
Chủ tàu câu mực thuộc loại lớn nhất miền Trung, ông Trần Ban (chủ tàu ĐNa 90567, công suất 1.200 CV) hiện cũng đang loay hoay khi giá mực đột ngột giảm.
Chuyến vừa rồi, tàu ông đánh được 24 tấn, bán mẻ đầu giá 75 ngàn đồng/kg. Nhưng chỉ vài ngày sau, giá đã rớt xuống 55-60 ngàn đồng/kg tùy chất lượng. Ông Ban cho biết, thương lái cảnh báo giá mực sẽ tiếp tục rớt nên bây giờ chưa biết tính sao.
Từ sau cơn bão Chanchu (2006), đội tàu câu mực hùng hậu của Đà Nẵng dần tan rã. Rồi đến khoảng 2007-2008, khi thương lái Trung Quốc liên tục ép giá mực xà, hiện chỉ còn một đầu mối gom mực ở Đà Nẵng mua toàn bộ miền Trung, từ Đà Nẵng cho tới Phú Yên. Khó khăn lắm, PV mới tiếp cận được chị X. - đầu mối gom mực xà xuất cho thương lái Trung Quốc.
Chị X. tiết lộ: Ngoài thị trường chính Trung Quốc, trước đây còn bán cho cả Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, nhưng gần đây, không hiểu sao các nước đều từ chối thu mua, để mặc thương lái Trung Quốc thỏa sức ép giá và đây không phải lần đầu.
Theo chị X., mực xà của ngư dân Việt Nam khó bán qua thị trường EU, Mỹ, Nhật, trong khi ngư dân các nước có cách chế biến qua được các thị trường này.
Gần đây, thị trường không có gì biến động, nhưng hễ mực của Việt Nam sang là phía Trung Quốc ách lại cửa khẩu, không nhận hàng, rồi ép giá, chê chất lượng. Trong khi cũng loại mực này họ từng mua 150 ngàn đồng/kg, vồ vập lắm. Rõ ràng, họ đã chơi trò quá “độc”.
Chủ mối này cho hay, giải phóng hết số hàng tồn đọng, chị cũng muốn nghỉ chơi với thương lái Trung Quốc vì họ quá lật lọng, làm kinh tế nhưng lại vì mục đích khác.
Theo nhiều ngư dân như Hồ Văn Đời, Hồ Văn Anh, Trần Tiến Hồng..., câu mực là nghề bám biển xa và nhiều thời gian nhất, vì thế phía Trung Quốc đang muốn hạn chế tối đa nghề câu mực ở Hoàng Sa của ngư dân Việt.
“Bởi thế mà 10 năm trở lại đây, ngoài việc đẩy đuổi, họ làm đủ chiêu trò ép giá, rồi còn đi mua cả vỏ tàu cũ. Cái họ muốn là mình phá sản hoàn toàn nghề câu mực để họ bá chủ ngư trường biển Đông” – anh Hồ Văn Đời bày tỏ.
Theo ông Hồ Văn Tình, chủ tàu ĐNa 90051 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng): Họ bắn một mũi tên nhưng trúng 2 đích, là làm kiệt quệ kinh tế của bà con mình, và khiến đội câu mực xa bờ tan tác, làm bà con mình nản chí bỏ biển. Lúc đó họ nghiễm nhiên giành được ngư trường mà khỏi phải tốn công đẩy đuổi gắt gao.
Gây sức ép với cả doanh nghiệp Việt Nam
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Giám đốc Cty chế biến xuất khẩu thủy sản thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng: Mực xà (còn gọi là mực đen) có tên khoa học là mực Olex, chất lượng không ngon bằng các loại mực khác, chỉ có người Trung Quốc mới mua. Sở dĩ một dạo bán được sang Thái Lan, Indonesia hay Malaysia là do bán cho người Trung Quốc ở các quốc gia này.
Cách đây 4 năm, khi phía Trung Quốc cũng gây ra vụ lật kèo tương tự như hiện nay, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giao Cty Thuận Phước đi tìm hiểu thị trường.
Sau đó, Cty đã tìm được bạn hàng ở Thái Lan và một số nước Đông Nam Á và lánh được thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, phía Trung Quốc không biết bằng cách nào đã gây sức ép, buộc các bạn hàng này không thu mua mực xà của Việt Nam, bắt buộc ngư dân miền Trung chỉ còn cách bán qua Trung Quốc bằng 2 con đường, một là qua đầu nậu, hai là thương lái Trung Quốc mua trực tiếp.
“Tôi đã đi tìm hiểu rất kỹ, đúng là phía Trung Quốc đang có ý đồ và đây không phải lần đầu tiên. Mực xà qua thương lái Trung Quốc đa số đều là buôn lậu và dường như được an ninh của họ bật đèn xanh. Có những thời điểm họ triển khai mạnh và họ cũng tính toán rất kỹ càng lúc nào sẽ lật kèo. Điều này giải thích vì sao hiện chỉ còn một đầu mối gom mực. Không ai muốn chơi với thương lái Trung Quốc nữa”.
Tháo giàn, chuyển nghề
Sau quá nhiều lần theo đuổi nghề câu mực bị ép giá, cuối cùng tàu ĐNa 90051 của hai anh em Hồ Văn Tình - Hồ Văn Trường cũng quyết định giỡ dàn, chuyển sang nghề lưới rê.
Thuyền trưởng Trường tiếc rẻ: Nói thật ra thì đây là một nghề rất dễ làm ở Hoàng Sa, chúng tôi đầu tư đàng hoàng, lắp dàn câu, thúng, thuê lao động giá cao..., một chuyến đi có khi ở Hoàng Sa gần 3 tháng.
Điều đó chứng minh muốn câu mực thì phải có một tiềm lực tài chính khá hơn nghề khác. Ít nhất cũng phải có 2 tàu trong nhà để liên tục bơm dầu, cấp thực phẩm, nước ngọt từ bờ. Mỗi chuyến trở về cũng khá hơn lưới vây, cản hay lưới rê, giã cào.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đội tàu câu mực đang nằm bờ dài ngày thì có 4 chiếc đã làm đơn bán, chuyển nghề khác, số còn lại gần như chắc chắn sẽ chuyển trong nay mai.
Như vậy, đội tàu câu mực Đà Nẵng và cả miền Trung hùng mạnh một thời, ngay sau khi được gầy dựng lại tiếp tục nhận cú sốc rớt giá, lật kèo từ phía Trung Quốc, để rồi nguy cơ tan tác lại bắt đầu hiển hiện.
Đã cứu được 7 ngư dân trên tàu cá bị tàu lạ đâm chìm
Ngày 7-8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) cho hay, 7 ngư dân trên tàu cá BV 95134TS (chủ tàu Trần Văn Dư, Bình Châu, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,) bị một chiếc tàu lạ đâm chìm trên vùng biển phía nam Vũng Tàu đã được tàu cá BTh 99843TS cứu sống. Dự kiến, chiều 8-8, tàu BTh 99843TS sẽ đưa 7 ngư dân nói trên về đến cảng cá Bình Châu, Xuyên Mộc.
Như tin đã đưa, 5 giờ sáng 6-8, tại tọa độ 6oN-107oE, cách Vũng Tàu khoảng 238 hải lý về phía Nam, tàu cá BV 95134TS bất ngờ bị một tàu lạ đâm chìm. Trên tàu cá bị nạn lúc này có 7 ngư dân. Trưa 6-8, tàu cá BTh 99843TS đến hiện trường để cứu người bị nạn, tuy nhiên do thời tiết xấu, phải tới rạng sáng 7-8 mới tiếp cận và cứu được 7 ngư dân.