Hợp thức hóa “ôsin” làm chuyên gia
Chị Châu Hải My – Giám đốc một công ty xây dựng ở (quận 10, TPHCM) được bạn bè kể về người Philippines đi khắp thế giới giúp việc nhà, không chỉ chuyên nghiệp mà còn giỏi tiếng Anh. Sau khi sinh con, chị quyết định thuê “ôsin” ngoại người Philippines về trông con cái, quán xuyến việc nhà.
Liên hệ với công ty môi giới lao động nước ngoài, chị My được gửi 2 tấm hình của “ôsin” để chọn lựa kèm theo điều khoản: “Sau thời gian làm việc ba tháng, nếu thấy không hợp thì có quyền đổi “ôsin” khác. Phí môi giới cho công ty là 5 triệu đồng”.
“Ôsin” được bảo lãnh và đăng ký với chức danh nghề nghiệp là chuyên gia. Ảnh Văn Minh
Thuê được người, chị My mới biết visa của “ôsin” là loại visa du lịch, thời hạn 1 tháng. Để hợp thức hóa cho “ôsin” ở lại làm việc lâu dài, chị My làm giấy bảo lãnh làm việc tại công ty của mình với chức danh nghề nghiệp là chuyên gia.
Đây chỉ là bước đầu, để hoàn tất các thủ tục hợp thức hóa, chị My phải đưa “ôsin” lên cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) xuất cảnh, rồi lại nhập cảnh vào Việt Nam.
Tổng chi phí cho các thủ tục để có được “ôsin” ngoại quốc hơn chục triệu đồng. Tất cả đều do gia chủ bỏ ra để có được sự phục vụ của họ. Theo chị My, hầu hết các gia đình thuê “ôsin” ngoại đều dùng cách này để hợp thức hóa các thủ tục, giấy tờ.
Đa số những “ôsin” ngoại quốc sang Việt Nam làm đều thông qua một công ty môi giới việc làm. Có trường hợp lưu trú ít nhất một năm, nhiều nhất là ba năm. Phần lớn các “ôsin” ngoại đều nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch, diện chuyên gia,... chứ không ai khai báo giúp việc nhà.
Nhiều chuyện dở khóc dở cười
Phần lớn các đại gia Việt hợp thức hóa “ôsin” ngoại bằng con đường bảo lãnh về công ty làm việc với chức danh chuyên gia. Thực tế các “chuyên gia” về làm việc nhà nhiều phen khiến gia chủ dở khóc dở cười.
Chị Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc tiếp thị của một công ty nước ngoài kể, “ôsin” ngoại tuy làm việc nhà rất tốt nhưng họ lại không biết nấu các món ăn Việt. Có lần chị dặn “ôsin”, ở nhà có sẵn đu đủ, mồng tơi, bầu, mướp, rau đay… đều có thể dùng để nấu canh. Vậy là “ôsin” cho tất cả vào nồi nấu canh.
Để có được “ôsin” ngoại, nhiều đại gia Việt sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Ảnh Uyên Phương.
Sau nhiều sự cố về nấu ăn, chị Thủy phải tự xuống bếp. “Dù rất quý cô “ôsin” nhưng chuyện bếp núc có khác biệt nên tôi đành cho cô ấy nghỉ”, chị Thủy nói.
Cũng khổ sở vì “ôsin” ngoại không biết nấu món ăn Việt, chị Thanh Hương (nhà ở khu Trung Sơn, Q.7) còn thường xuyên được thưởng thức các món ăn chứa đầy bột cà ri và ớt do “ôsin” trổ tài. “Cô giúp việc đã có thời gian làm ở nước ngoài nên nấu được khá nhiều món Tây ngon. Nhưng gia đình ăn không hợp vì đã quen các món dân tộc mình”, chị Hương thở dài.
Chưa hết, “ôsin” ngoại sử dụng tiếng Anh thành thạo, thế nên khi ông bà ở quê lên chơi không giao tiếp được với “ôsin”. Chị Sandy Phạm (ngụ Q.2) nhiều lần rơi vào tình huống như thế. Ba mẹ chồng ở dưới quê lên chơi, gặp ngay lúc hai vợ chồng đi công tác nên ông bà ở nhà với “ôsin”. Chị “ôsin” nói toàn tiếng Anh, ông bà nói tiếng Việt. Hai bên không ai hiểu ai, chỉ giao tiếp qua cử chỉ hành động khiến ông bà già nhiều phen khóc dở.
Nhà có điều kiện, chị Uyên (ngụ P. Thảo Điền, Q.2) sau khi sinh con đã thuê một lúc 2 cô giúp việc người Philippine để chăm sóc em bé và nhà cửa, bếp núc. Tuy nhiên, đứa con gái 5 tuổi của chị Uyên hiện giờ không thể nói được tiếng Việt mà hoàn toàn dùng tiếng Anh trong giao tiếp.
Hiện chị Uyên có hai đứa con gái (3 tuổi và 5 tuổi) cũng đều không biết nói tiếng Việt, mà chỉ thích cùng tiếng Anh.
Mỗi tuần, chị Uyên đều cho con theo học 5 buổi tiếng Việt với cô giáo người Việt, đồng thời thuê cả cô về nhà kèm thêm tiếng Việt cho con. Học phí học tiếng Việt còn cao hơn tiếng Anh nhưng bé vẫn chỉ bập bẹ được một vài từ cơ bản.