Khi con bị bạo lực học đường

TP - Con bị đánh, bị tẩy chay, cô lập, bị nói xấu… đều có thể coi là bạo lực học đường. Và người ta chỉ thấy sự việc là nghiêm trọng khi một trong những đứa trẻ ấy mất đi cuộc sống. Vai trò quan trọng nhất trong việc này là sự gần gũi của cha mẹ với con cái.
Chị Hồng Tâm – chuyên viên tư vấn tâm lý học đường.

Chị Hồng Tâm – chuyên viên tư vấn tâm lý học đường.

Cứ một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hồi đầu năm, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (trung bình khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê trên, cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Theo những người trong ngành, đây chỉ là con số bề nổi, tảng băng chìm thường lớn hơn mà nếu thống kê tỉ mỉ sẽ khiến rất nhiều phụ huynh giật mình.

Chị Hồng Tâm – chuyên viên tư vấn học đường khẳng định: bạo lực học đường hiện nay là câu chuyện hàng ngày. Chị Tâm kể rằng, khi mới ra trường đi làm ở một trường trung học, ngày nào chị cũng khóc vì sốc, không thể hình dung bạo lực học đường lại nhiều và căng thẳng đến thế. Có lần, một học sinh lớp 10 cầm dao đâm ba bạn học cùng lớp. Nguyên nhân của cuộc ẩu đả bắt đầu từ một va chạm trong một trận bóng. Đám bạn dọa sẽ đánh học sinh này. Mấy ngày sau trong lớp học cũng râm ran tin đồn: sắp có đánh nhau lớn! Cậu sợ hãi mang theo dao đi phòng thân. Cho đến khi ba người kia vỗ vai tính dọa một trận, cậu đã rút dao ra đâm. Chị Tâm kết luận: bạo lực xảy ra khi nỗi sợ bị bùng nổ! Và rằng, trong hầu hết các vụ việc bạo lực ở trường, ngay cả hung thủ cũng có những hoàn cảnh đặc biệt và những câu chuyện đặc biệt.

Học sinh nữ cũng gây ra bạo lực học đường, thậm chí có những em còn rất nhỏ.

Vấn nạn toàn cầu

Buổi tọa đàm về bạo lực học đường và vai trò của bố mẹ diễn ra ngày 19/10 nhân sự kiện ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Marion mãi mãi tuổi 13”. Đây là cuốn tự truyện của một người mẹ có con gái đã tự vẫn ở tuổi 13 vì bị bạo lực học đường. Cuốn sách đã gây chấn động nước Pháp, vang đến cả nhà Quốc hội, được dựng thành phim và bán bản quyền cho hơn 30 quốc gia trên thế giới. Dịch giả của cuốn sách, chị Hiệu Constant cho biết: “Tôi được biết ở Pháp, cứ 10 học sinh sẽ có một nạn nhân. Phần đông chúng ta coi chuyện “bị bắt nạt” ở lớp là chuyện con trẻ. Cho đến khi các vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra”.

Chị Hiệu Constant cũng cho rằng: khi có chuyện ở trường, thói thường mọi người sẽ đổ lỗi cho thầy cô quản giáo không nghiêm. Tôi không đồng ý! Mỗi chúng ta chỉ có một hai đứa con, còn quản không nổi, huống hồ thầy cô giáo, cùng lúc phải quản giáo hai ba mươi em, có nơi còn nhiều hơn, thời gian mỗi ngày chia ra phân đều kiểu gì cũng không đủ”. Chị Hiệu tỏ ra khá bi quan về độ quan tâm của phụ huynh đối với tâm sinh lý của trẻ vị thành niên.

Chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Con tôi học ở Mỹ, năm đầu tiên cũng từng phải đối mặt với bạo lực học đường. May là gia đình phát hiện sớm và phối hợp với thầy cô điều chỉnh kịp thời nên mọi chuyện qua nhẹ nhàng. Đến nay học sinh bắt nạt con tôi trở thành bạn của cháu. Cả gia đình đều thở phào, vì nghe kể, năm trước, từng có một tình huống tương tự nhưng học sinh bị bắt nạt đã trầm cảm hơn một năm, phải can thiệp y tế để chữa trị”.

Cho con học kỹ năng sống cũng không giải quyết được

Khi nói đến giải pháp cho các vấn nạn bạo lực học đường, chị Hồng Tâm cho rằng: “cho con đi học kỹ năng sống không giải quyết được vấn đề. Tôi khuyên mọi người đừng quá trông chờ vào các khóa kỹ năng sống, dù tôi cũng là người đi dạy kỹ năng sống. Hãy dành thời gian cho con. Lắng nghe, quan sát, phát hiện những thay đổi tâm lý của con, dù là nhỏ, để có can thiệp kịp thời”. Chị Tâm cũng kể: Trong thời gian làm tư vấn học đường, chị ngăn được rất nhiều ca “suýt đánh hội đồng” mà đa số đều bắt nguồn từ những nguyên nhân “bé như hạt vừng”. Chị kết luận: tuổi teen vốn rất nhạy cảm, thích nổi loạn, nên chuyện nhỏ có thể hóa to, hóa không cứu vãn chỉ trong một thời gian ngắn. Ngược lại chuyện to có thể hóa nhỏ, hóa không còn gì khi các em có người tin cậy, yêu thương và sẵn sàng lắng nghe chúng mà không chụp mũ hoặc mắng mỏ.

Anh Việt Cường (chuyên viên tư vấn tâm lý) cũng chia sẻ: nhiều trường hợp bạo lực học đường xuất phát từ nguyên nhân bố mẹ ly hôn, gia đình bất ổn. Nó giống như hiệu ứng hòn tuyết lăn, từ việc nhỏ, không giải tỏa được cảm xúc, càng lăn càng to, cộng thêm việc kiểm soát hành vi của teen không tốt, thế là bùng nổ. Anh Cường chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: khi học cấp ba, đúng tuổi nổi loạn, có một thầy giáo rất tâm lý, trong tiết học, thầy luôn khéo léo hỏi cả lớp hôm nay có chuyện gì đặc biệt không? Một người kể, hai người kể, ba người kể, thầy sẽ phân tích thiệt hơn, thường thì sau đó, ý muốn đánh nhau của bọn con trai sẽ bị tiêu trừ.

Anh Nguyễn Quang Thạch (người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn) từ kinh nghiệm cá nhân cho rằng, muốn giảm thiểu bạo lực học đường, người lớn phải làm gương. Anh kể, khi mới lớn, đi bán kem bị ăn quỵt, đã từng kêu bạn bè định đánh hội đồng. Sau nghĩ đến chuyện ngày nhỏ trong làng có người ăn trộm, bị đuổi đánh, chính ông nội anh đã cho người đó trốn trong bồ thóc, sau đó người này không đi ăn trộm nữa. Anh Thạch cho rằng: lòng nhân từ nên được bồi dưỡng từ nhỏ, sách vở cho con cũng nên tránh những cuốn có nội dung kích động bạo lực hoặc trả thù.