Khám phá siêu chiến hạm tự hành USS Zumwalt

USS Zumwalt của Hải quân Mỹ được cho là tàu chiến có hệ thống tự động hoàn hảo tới độ nó như có một "bộ não riêng biệt". Khi phát hiện đối thủ, tàu có thể tự kích hoạt trạng thái chuẩn bị tham chiến mà không cần bất cứ động tác nào từ các binh sĩ.
Tàu khu trục USS Zumwalt đầu tiên của hải quân Mỹ - Ảnh: U.S Navy

Khi tổ chức lễ đặt tên cho chiếc đầu tiên của lớp tàu Zumwalt trong tháng 4, hải quân Mỹ cũng chính thức trình làng tàu khu trục tự hành đầu tiên trên thế giới và là tàu khu trục lớn nhất trong lịch sử nước này.

Có “bộ não” riêng

Bloomberg dẫn lời Wade Knudson, người chịu trách nhiệm dự án Zumwalt của Tập đoàn quân sự Raytheon, tự hào “khoe” rằng USS Zumwalt được trang bị hệ thống tự động hoàn hảo tới mức gần như là “một bộ não riêng biệt”.

Theo ông Knudson, nhờ hệ thống này, khi phát hiện đối thủ, tàu có thể tự kích hoạt trạng thái chuẩn bị tham chiến như bật pháo lên, đưa tên lửa vào ống phóng hay khóa mục tiêu mà không cần bất cứ động tác nào từ các binh sĩ. Ông Knudson đưa ra một ví dụ cụ thể khác là trong trường hợp hỏa hoạn, con tàu sẽ khởi động hệ thống dập lửa và phong tỏa khu vực bị cháy; sau khi dập lửa xong sẽ tự động thoát nước để các thủy thủ xem xét hiện trường, điều tra nguyên nhân.

Dĩ nhiên, tàu khu trục thế hệ mới của Mỹ vẫn cần thủy thủ đoàn nhưng khả năng tự động của nó giúp giảm nhân sự xuống còn khoảng 150 người, bằng phân nửa nhân lực cần có hiện nay trên các tàu chiến cùng cỡ (độ choán nước 15.000 tấn). Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, chỉ cần 40 người vẫn đủ khả năng vận hành tàu.

Ngoài ra, theo Bloomberg, USS Zumwalt còn được trang bị hệ thống TSCE cho phép thuyền trưởng có thể điều khiển tàu từ bất kỳ vị trí nào bằng cách nhập mật mã vào các thiết bị kết nối lắp đặt rải rác trên thân tàu. “Thuyền trưởng nắm quyền chỉ huy ở bất cứ điểm nào trên tàu chứ không cần phải chạy hộc tốc cả trăm mét và leo lên nhiều tầng để đến được đài chỉ huy trong trường hợp khẩn cấp”, ông Knudson cho hay. Tuy nhiên, tờ New York Daily News dẫn lời một số chuyên gia lo ngại về việc mật mã lọt vào tay tin tặc và con tàu sẽ bị chiếm quyền điều khiển. Đáp lại, ông Knudson khẳng định mật mã được bảo vệ vô cùng kỹ lưỡng, ngoài ra một mình thuyền trưởng không thể phát lệnh khai hỏa vũ khí.

Mục tiêu Thái Bình Dương

USS Zumwalt dài hơn 180 m, độ choán nước 15.000 tấn và có chi phí phát triển, chế tạo lên tới 5 tỉ USD. Ngoài khả năng tự hoạt động nói trên, khả năng tàng hình tối tân, động cơ đẩy bằng điện, hình dạng có phần kỳ lạ giúp tàu chạy cực êm, hầu như không để lại đường rẽ nước và có thể ẩn thân trước các hệ thống theo dõi. Theo Bloomberg, USS Zumwalt chỉ là một dấu chấm nhỏ xíu trên màn hình radar, chỉ to hơn tàu cá dân sự một chút dù thực tế nó lớn gấp 40% so với tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Dự kiến tàu được trang bị khoảng 80 tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa đối hạm, pháo 155 mm và cả súng dùng từ trường và dòng điện để bắn với tốc độ gấp vài lần vận tốc âm thanh.

Tuy không chỉ đích danh nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Jonathan W.Greenert nhiều lần hé lộ rằng USS Zumwalt sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của nước này tại châu Á - Thái Bình Dương. “Với khả năng tàng hình cùng hệ thống định vị sóng âm, sức tấn công đáng kinh ngạc và cần ít nhân lực vận hành - đây là tương lai của chúng ta. Điều này cũng rất phù hợp với chính sách tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương”, AP dẫn lời Đô đốc Greenert nói trong một lần thăm nơi đóng tàu USS Zumwalt và các con tàu cùng lớp khác tại bang Maine.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của lớp tàu Zumwalt hiện nay là chi phí quá đắt trong khi Lầu Năm Góc đang phải cắt giảm chi tiêu. Vì thế mà Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo mục tiêu trước mắt là sở hữu 3 tàu loại này thay vì 32 chiếc như ý định ban đầu, theo Bloomberg.

Theo Thụy Miên

Theo Thanh Niên