Khai minh nữa, từ trường hợp Phan Khôi

TP - Hôm qua (6/10), lần đầu tiên diễn ra một hội thảo về Phan Khôi tại chính Quảng Nam quê hương ông, do Ủy ban tỉnh và Sở Văn hóa tổ chức. Sự kiện đánh dấu mốc tiếp tục khai minh chiêu tuyết một cách đầy đủ, toàn diện những tên tuổi vốn từng chịu oan khốc một thời trong tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Ngày 6/10 cũng chính là ngày sinh nhà văn, học giả Phan Khôi, tròn 127 năm trước (1887), và 55 năm ngày đám tang ông diễn ra trong hiu hắt (1959) hậu Nhân văn giai phẩm. Có đến hơn 50 tham luận cùng 19 ý kiến phát biểu tập trung vào bàn về đóng góp của Phan Khôi trên lĩnh vực văn hóa dân tộc. Sức hút từ cái tên Phan Khôi vẫn rất mạnh và còn quá nhiều điều để nói. Từ văn, thơ, báo chí, phê bình, nghị luận, bút chiến, dịch thuật…

Tác phẩm của Phan Khôi đến năm 1998 lần đầu tiên mới được tái bản (in) trở lại, với Chương Dân thi thoại bởi NXB Đà Nẵng năm 1988. Năm 2007, nhân tròn 120 năm của ông, Hội Khoa học Lịch sử VN, tạp chí Xưa & Nay cùng gia đình tổ chức tọa đàm về Phan Khôi, diện hẹp mang tinh thần tưởng niệm là chính. Năm 2010, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và NXB Tri thức tọa đàm về Phan Khôi - nhà báo.

“Tôi học hỏi được rất nhiều từ Phan Khôi nhà báo, nhà văn, nhà tranh luận… Tôi sống ở châu Âu nửa thế kỷ, cảm nhận khí phách của một trí thức. Khí phách, cá tính của người trí thức bị phai mờ thì tính người dần bị phai nhạt”

GS Nguyễn Đăng Hưng

Và lần này, hội thảo khoa học quy mô hơn hẳn thu hút các trung tâm nghiên cứu cả nước, bàn về đóng góp lớn của Phan Khôi đối với văn hóa dân tộc. Cùng với hàng loạt trước tác được sưu tầm, in ấn gần đây, tầm vóc Phan Khôi dần hiện ra đầy đủ: Một học giả, nhà tư tưởng, nhà báo, nhà văn, nhà thơ lớn. Và trên hết là một trí thức quyết liệt phản biện xã hội với chủ trương duy tân, khai trí tiến bộ. Hội thảo góp phần kết luận, hóa giải những oan ức xưa, cho thấy vóc dáng của một nhà văn hóa lớn, tiết tháo, chứ không phải một ông “hủ nho, phản động”…

Năm ngoái, Đà Nẵng đã đặt tên đường Phan Khôi. Bên lề hội thảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết Phan Khôi đã có trong quỹ tên đường, chỉ còn chờ chọn con đường mới nào phù hợp.

GS Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) tâm sự: “Tôi học hỏi được rất nhiều từ Phan Khôi nhà báo, nhà văn, nhà tranh luận… Tôi sống ở châu Âu nửa thế kỷ, cảm nhận khí phách của một trí thức. Khí phách, cá tính của người trí thức bị phai mờ thì tính người dần bị phai nhạt”. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cho rằng 3 năm nữa là tròn 130 năm ngày sinh Phan Khôi, dịp đó, “Hà Nội nên có hội thảo quy mô ở cấp quốc gia về Phan Khôi, mà hội thảo này là bước tiền đề. Và cả Phạm Quỳnh…

Đúng dịp 10/10 năm ngoái, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho cuốn Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi - từ Sông Hương đến Nhân văn của Phan An Sa thể loại phê bình. 10/10 tới đây, chúng tôi tiếp tục “trả nợ” cho Trương Tửu. Đó không phải nghĩa cử, mà là việc cần làm - trao Giải thành tựu trọn đời cho ông.

Ghi nhận các ý kiến đề nghị tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi, nhà sử học Dương Trung Quốc - đồng điều hành hội thảo, cho rằng hội thảo tới sẽ quy mô và sâu sắc hơn, đề cập Phan Khôi với tư cách “nhân vật lịch sử”.

“Chúng ta phải nghiên cứu thời đại của Phan Khôi sống, đặc biệt những năm cuối đời gắn với sự kiện Nhân văn giai phẩm. Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá những trường hợp này, nhưng cần một lời kết luận cuối cùng. Đòi hỏi chính đáng của xã hội là phải làm sáng tỏ những khúc mắc, phù hợp với tiến trình phát triển, dân chủ hóa xã hội hiện nay. Nhìn vào di sản của Phan Khôi để lại thấy rất nhiều bài học mang tính thời sự, như tinh thần của trí thức, phản biện xã hội, vai trò báo chí…”.

Ông Phan Trản cho biết có rất nhiều chi tiết về thân thế, niên biểu thân phụ ông là Phan Khôi in ở phần cuối cuốn Chương Dân thi thoại tái bản năm 1998 bị viết sai. Đây là lỗi của gia đình, do thời gian đầu tư liệu hạn chế nên chắp bút theo trí nhớ. Gia đình đã làm lại niên biểu và sẽ công bố thời gian tới.