Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, ông cũng như nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rất lo lắng trước ý kiến cách ly khách quốc tế do Bộ Y tế đề xuất. “Chúng tôi đã làm việc với một đối tác bên Hàn Quốc để đưa khách sang Việt Nam với số lượng 1 tuần/chuyến khoảng 200 khách sau 15/3. Hiện phía đối tác thông báo nếu phải cách ly tới 4 ngày thì khó triển khai tua đến Việt Nam được”, ông Huy nói.
Ông Huy dẫn chứng một số thị trường khách du lịch quốc tế trong đó có Hàn Quốc mà đơn vị ông đang kết nối để đưa đến đảo Phú Quốc, đa số du khách chỉ lưu trú từ bốn ngày bốn đêm, hoặc năm ngày bốn đêm. Quy định khách đến Việt Nam phải cách ly hết 3 ngày và ngày đầu phải ở khách sạn, khiến tâm lý người đi du lịch khó thoải mái được, cản trở rất nhiều thứ. “Nếu như chúng ta vẫn sợ dịch bùng phát thì đừng vội mở cửa. Đã mở cửa thì phải thoáng hơn, Bộ Y tế nên tháo gỡ sớm vấn đề này”, ông Huy đề xuất.
Anh Đinh Hiền Lựa, Trưởng phòng điều hành Phú Quốc Today Travel nhận định: "Khách đến Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện dịch tễ, phải được tự do đi lại, còn ai có bệnh thì được chăm sóc, cách ly y tế phù hợp", anh Lựa nêu quan điểm.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel nói, để đón khách quốc tế hiệu quả, trước tiên ngành du lịch cần có thêm hoặc hoàn thiện các sản phẩm du lịch phục vụ về đêm để tăng giá trị cộng thêm khi du khách đến TPHCM; đồng thời cần xem xét thay đổi quy định test PCR sau 3 ngày để giảm áp lực tài chính cho cả du khách và doanh nghiệp.
Muốn khách vô thì cần mở cửa, đại diện đơn vị lữ hành TST nói. “Thái Lan, Singapore…cũng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Thị trường Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Chúng ta cần nhanh hơn nữa trong chính sách xét duyệt thị thực”, vị này nói.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ngành du lịch thành phố đang chờ quyết định thống nhất từ Chính phủ để có thể đón khách trở lại. “Để đón khách quốc tế, ngành du lịch cùng các doanh nghiệp khai thác sản phẩm gắn với đường thủy như: tua Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; chương trình du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hoạt động chèo SUP khu vực Thanh Đa, Bình Thạnh, Quận 7, huyện Cần Giờ... Sắp tới, ngành dự định khảo sát, nghiên cứu mở tua du lịch bằng trực thăng ngắm thành phố từ trên cao; tàu cao tốc đi Côn Đảo...”, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết.
Tháo gỡ rào cản
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, cộng đồng kinh doanh du lịch hết sức phấn khởi với chủ trương mở cửa du lịch từ 15/3. Đà Nẵng đã thông báo với các đối tác nước ngoài chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, các điều kiện khác để bắt kịp chủ trương đón khách quốc tế. Tuy nhiên đề xuất của Bộ Y tế sẽ đưa du lịch phục vụ khách quốc tế về lại vạch xuất phát và mất hẳn lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hiệu quả truyền thông cho chủ trương mở cửa du lịch cũng không còn nhiều. “Chúng tôi tha thiết đề xuất Chính phủ xem xét và thông qua những chính sách giám sát y tế cởi mở hơn theo đề xuất Bộ VHTTDL, làm sao bắt được đà phục hồi của du lịch quốc tế mà Việt Nam đang có cơ hội rất lớn”, ông Dũng nói.
Trước đó, hãng hàng không Singapore Airlines dự kiến khai thác chặng bay Singapore-Đà Nẵng vào ngày 27/3. Đây là chuyến bay đầu tiên chở khách quốc tế đến Đà Nẵng.