Khắc phục hậu quả bão số 12 - 110 người chết trong bão số 12: Trách nhiệm của ai?

TP - Bão số 12 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Vẫn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến công tác dự báo, sự chủ động ứng phó với bão của người dân, chính quyền địa phương. Vậy, làm thế nào để hạn chế thiệt hại đáng tiếc đó, đổ trách nhiệm cho ai?
Vùng biển Quy Nhơn vẫn còn ngổn ngang 8 xác tàu đắm nguy cơ bị tràn dầu/hàng ra môi trường biển.

Dự báo bão chệch hướng?

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, bão số 12 được dự báo là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), đổ bộ vào đất liền tại khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào khoảng 5-6 giờ sáng ngày 4/11/2017.

Bão gây ảnh hưởng phạm vi rộng, gây gió giật mạnh nhất cấp 12-13; ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên cấp 13… kèm theo mưa lớn. Đến hôm qua, bão và mưa lũ làm trên 110 người chết, mất tích; khoảng 120.000 nhà bị tốc mái, sập; khoảng 1.300 tàu thuyền bị chìm, trong đó có 8 tàu vận tải bị chìm ở Bình Định, thiệt hại rất lớn đến hệ thống điện...

Tại cuộc họp khắc phục hậu quả sau bão, lũ hôm qua (9/11), ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, dù cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng thiệt hại của cơn bão rất lớn, trong đó nặng nề nhất ở Bình Định.

Liên quan đến 8 tàu hàng bị đánh chìm ở Quy Nhơn, ông Công cho biết, có 13 người mất tích, đến nay đã tìm được 7 thi thể (đã nhận dạng), trong 6 người còn lại, dù tìm được 4 thi thể, nhưng vẫn chưa nhận dạng được thuyền viên.

Theo ông Công, ban đầu, cơ quan dự báo cho tàu thuyền thông báo ảnh hưởng của bão là từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận. Các tàu ở miền Bắc vào, bao giờ người ta cũng đến phao số 0 ở Quy Nhơn để tránh, các tàu ở phía Nam ra cũng vậy.

 “Tại sao Quy Nhơn thiệt hại rất nhiều? Chúng tôi cử cán bộ vào, Cục trưởng, Cục phó hàng hải lại không vào Quy Nhơn vì theo dự báo, bắt đầu vào TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang... nên khi bão, Bình Định thiệt hại rất lớn cả người, tàu bè. Đúng là vấn đề còn nhiều điều phải nói”- ông Công cho biết.

Liên quan đến thiệt hại do bão, đặc biệt là 8 tàu vận tải bị đánh chìm, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng “đây là sự cố không ai lường trước được”. Theo ông Dũng, thông tin ban đầu thông báo, bão sẽ vào Nam Phú Yên và Khánh Hòa, nên các tàu Quy Nhơn trú tránh và họ cho là an toàn rồi, ai dè thiệt hại nặng như vậy.

Ông Dũng cho biết, tại cảng Quy Nhơn, theo quy định của Bộ GTVT chỉ tránh trú được tối đa 30 tàu, nhưng tại thời điểm bão vào có tới 104 tàu hàng, trọng tài lớn. “Trước tình hình đó, địa phương chỉ sắp xếp có 53 tàu vào trú tránh được, số còn lại phải đậu ở phao số 0. Trong đó 21 tàu không liên lạc, cũng không báo cáo, họ tự xử lý, nên thiệt hại rất nặng nề.

Đổ lỗi cho bà con không biết tránh bão?

Về cơn bão số 12, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Công tác dự báo bão, lũ của chúng tôi với cơn bão này, chúng tôi khẳng định đã làm đúng và chính xác. Còn vấn đề thiệt hại nó quá lớn, ở đây, sự chưa hiểu biết về bão của bà con vùng chưa có bão còn nhiều lắm, chưa có kỹ năng về phòng chống bão nên thiệt hại quá lớn”.

Theo ông Ngọc, chẳng hạn, bà con đồng bào ở những huyện như  Trà My (Quảng Nam) bà con ứng phó rất tốt, vì thường xuyên có lũ. Còn khu vực Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, kỹ năng tránh trú bão có vấn đề.

Ông Ngọc cho rằng, trong cơn bão vừa rồi, các tàu cá đều về các nơi trú tránh, nhưng tàu hàng lại bị chìm. “Tâm bão vào khu vực này, nhưng bán kính ảnh hưởng của bão có thể tới 200 km. Trong bản tin dự báo, chúng tôi đã cụ thể hóa trên các hình ảnh dự báo. Việc này, cũng phải tổng kết, kiểm điểm”- ông Ngọc nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, về dự báo bão, dù có ý kiến này, ý kiến khác, nhưng là người trực tiếp tham gia trực tiếp vào công tác chỉ đạo ứng phó “Tôi đánh giá anh em rất cố gắng”. “Có thể truyền tải thông tin, từ dự báo đến các thông tin liên quan còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng công tác dự báo đã rất nỗ lực”- ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, trước bão, Bộ trưởng đã cử ông vào Huế,  Đà Nẵng, Quảng Nam. “Lúc tôi mới vào, kịch bản ở Huế mưa chỉ 600mm thôi. Nhưng tôi dựa vào hai nguồn là anh Hoải (ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai) báo là mưa có thể lên 1.000 mm; và văn bản của trung tâm dự báo, nói là mưa rất lớn. Lúc đó, chúng tôi đã đề nghị Thừa Thiên - Huế xây dựng phương án mưa tới 1.000 mm, và quả thật mưa đúng như thế”- ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo tăng cường dự báo mưa, kể cả dự báo ngắn và dài hạn. Khi vận hành hồ đập vừa rồi, nhờ dự báo lượng mưa sát, nên điều hành ứng phó kịp thời.

Còn Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) cho rằng, bão số 12 và mưa lũ đã gây thiệt hại lớn một phần vì người dân, chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt. “Khu vực Nam Trung bộ còn chủ quan với bão, họ chưa hình dung được cơn bão 12 nó như thế nào”- ông Cử nói.

TPHCM hỗ trợ Quảng Nam và Huế 2,5 tỷ đồng khắc phục lụt bão

 Sáng 9/11, Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã đến Quảng Nam, trao biển tượng trưng 1,5 tỷ đồng cho UB MTTQ VN tỉnh Quảng Nam để gửi đến ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 12 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.  Chiều cùng ngày, đoàn công tác của TPHCM do ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, dẫn đầu đã đến thăm hỏi, trao số tiền 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân TT-Huế khắc phục hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua.

l Hỗ trợ khẩn cấp 3.400 tấn gạo cho dân vùng lũ

Ngày 9/11, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 3.400 tấn gạo, thuốc, hóa chất lọc nước, vắc xin, hóa chất khử trùng… cho các tỉnh chịu thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên.                                                                                                B.Phương - H. Văn - Ng. Văn