Diễn biến phức tạp
Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão Tembin ngày 23/12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư cho biết, khoảng đêm 23/12, bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippines) và đi vào biển Đông- trở thành cơn bão số 16 trên biển Đông kể từ đầu năm đến nay.
Đến khoảng 16 giờ ngày 24/12, bão cách đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía đông với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, giật trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão. Theo dự báo, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 25/12, bão cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 250-350km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15. Khoảng đêm 25 đến rạng sáng ngày 26/12, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Nam bộ. Khu vực ảnh hưởng gió mạnh của bão là Nam Bình Thuận đến Bà Rịa -Vũng Tàu, và có thể bão đổ bộ đến Cà Mau.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo các kịch bản ứng phó bão có thể phải sơ tán khoảng 234 nghìn hộ dân với gần 1 triệu người sơ tán để tránh bão. Theo ông, đây là khu vực nhiều tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt nhiều tàu nhỏ hoạt động ven bờ có chất lượng không bảo đảm an toàn, bởi chỉ từ ngày 21-22/12 đã có 9 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển. Tổng số tàu thuyền các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau - Kiên Giang trên 67.500 tàu.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai- ông Nguyễn Xuân Cường, bão số 16 là cơn bão trái mùa, cấp độ và cường độ rất lớn, lại đổ bộ vào vùng kinh tế trọng điểm rất ít đón bão nên không thể chủ quan. “Khả năng thích ứng với bão ở khu vực này chưa cao, trong khi có nhiều hoạt động kinh tế trên biển như khai thác nuôi trồng thủy sản, hoạt động về giao thông vận tải, hoạt động du lịch”- ông Cường nói.
Bộ trưởng Cường lưu ý, khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão 16 đã chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 12, nhiều tổn thương chưa kịp khắc phục về hạ tầng, nhà dân, nếu chủ quan thiệt hại sẽ rất nặng nề. Do vậy, cơ quan dự báo, các địa phương, lực lượng theo dõi sát diễn biến của bão, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền và ứng trực tại các trọng điểm xung yếu sơ tán dân và ứng phó khi xảy ra tình huống xấu.
Ông Cường yêu cầu Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai phối hợp với các địa phương, tổ chức các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Sẵn sàng phương án nhắn tin đến đến điện thoại người dân về diễn biến của bão và nước biển dâng.
Tối qua, 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện khẩn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng khẩn trương và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống bão.
Sơ tán dân đến nơi an toàn
Tại tỉnh Tiền Giang đề ra các phương án ứng phó với bão, trong đó, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 77.500 người, sơ tán dân đi huyện khác gần 40.000 người. Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, chủ động ứng phó với bão Tembin. Đồng thời, triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo lãnh đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão 16. Đồng thời, đề nghị các phương tiện thông tin từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật, phát những bản tin kịp thời về tình hình bão đến người dân. Đối với các huyện cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân. Nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12 giờ ngày 25/12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán. Ngoài ra, UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học... Đồng thời, chỉ đạo các trường từ mầm non đến cao đẳng cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26/12 để tránh bão.
Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi – Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, sáng ngày 23/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng đã họp và có công văn yêu cầu ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành chỉ đạo các đơn vị có liên quan thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Đồng thời tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, kiểm soát và cấm tàu thuyền ra khơi; duy trì thông tin liên tục với các chủ phương tiện nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Ngày 23/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau họp khẩn, triển khai nhiều phương án ứng phó ảnh hưởng của cơn bão Tembin (cơn bão số 16) dự kiến đổ bộ vào biển Đông. Tỉnh Bạc Liêu nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động, thông báo vùng ảnh hưởng để tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, kêu gọi tàu hoạt động gần bờ trú ẩn cho đến khi có thông báo cuối cùng về cơn bão nguy hiểm này.
Đồn biên phòng mở cột đèn tín hiệu báo bão, tổ chức canh trực 24/24h, bắn tín hiệu báo bão theo quy định. Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng hướng dẫn neo đậu cho tàu thuyền, tránh bị va đập, kiên quyết không để người ở trên tàu.
Ông Lai Thanh Ẩn- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết, có khoảng 1.200 tàu đánh bắt trên biển với khoảng 6.000 ngư dân đang hoạt động trên biển.
Chính quyền địa phương thông báo hơn 1.000 người sống theo tuyến rừng phòng hộ, tuyến ven biển chủ động di dời vào nơi trú ẩn trong đất liền. Các điểm trường học, trụ sở chính quyền địa phương kiên cố đã chuẩn bị tiếp nhận người dân đến tránh, trú bão khi có lệnh di dời.
Tại Cà Mau, đến 16 giờ ngày 23/12, Ban chỉ huy PCTT- TKCN nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khai thác biển và liên lạc được với tất cả hơn 4.500 tàu thuyền đăng ký hoạt động đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Theo Ban chỉ huy PCTT- TKCN, hiện còn hơn 900 tàu, với khoảng 7.900 thuyền viên còn đang hoạt động trên biển. Đặc biêt, gần 400 phương tiện còn đang đánh bắt xa bờ, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn để tránh trú báo Tembin.