Các cơ quan chức năng TP HCM đã có nhiều nội dung báo cáo, đề nghị cấp thẩm quyền thành phố khẩn cấp chỉ đạo xử lý diễn biến sạt lở bờ sông Sài Gòn.
Tiếp nhận kiến nghị nói trên, UBND TP HCM vừa có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho nhiều sở, ngành và UBND các quận, huyện khẩn trương thực hiện ba nội dung.
Theo đó, tiếp tục kiểm tra việc khai thác cát trái phép; phối hợp với tỉnh Bình Dương xử lý việc xây dựng kè lấn bờ tả sông Sài Gòn làm thay đổi chế độ dòng chảy; tình trạng sạt lở bờ sông Sài Gòn, các sông, kênh, rạch có liên quan…
Ông Nguyễn Văn Đam - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM, cho biết diễn biến sạt lở ở nhiều đoạn sông Sài Gòn đã được công ty báo cáo cụ thể cho cấp thẩm quyền TP, chỉ rõ hiện trạng, đánh giá nguyên nhân cùng các kiến nghị, đề xuất xử lý…
Đây là công ty được TP giao làm chủ đầu tư các dự án đê bao ven sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc, xã Phú Mỹ Hưng đến tỉnh lộ 8, xã Bình Mỹ (thuộc huyện Củ Chi).
Trong quá trình thực hiện đầu tư các công trình và theo dõi từ năm 2014 đến nay, công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP đã ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, nguy cơ đe dọa trực tiếp sự ổn định của các tuyến đê bao, lo ngại nhất là trong mùa mưa lũ và triều cường sắp đến.
Theo đánh giá của công ty, nhiều biện pháp để hạn chế sạt lở đã triển khai, báo cáo các cơ quan chức năng hiện trạng sạt lở và phối hợp xử lý nhưng tình hình vẫn có nhiều diễn biến rất xấu.
Theo dõi và quan trắc sạt lở, công ty đưa ra một số nguyên nhân: do khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn ngày càng diễn biến phức tạp làm thay đổi điều kiện địa hình, hình thái dòng sông, khi có sự tác động của các yếu tố vận tốc nước, thủy triều, xả lũ hồ Dầu Tiếng… làm sạt lở bờ sông.
Cùng với vấn đề này, ở bờ tả sông Sài Gòn (thuộc tỉnh Bình Dương) một số đoạn đã bị xây lấn dòng và kè kiên cố làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây sạt lở bờ đối diện.
Công ty đã kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương xử lý việc xây, kè lấn bờ tả sông Sài Gòn, làm thay đổi chế độ dòng chảy.
Nhiều đoạn mất 30-40 m bờ sông
* Tại vị trí K0+500 (thuộc dự án đê bao Thai Thai - Bến Súc): sạt lở bờ sông Sài Gòn dài 30 m, rộng 40 m; khi bàn giao mặt bằng mép đê bao cách sông Sài Gòn khoảng 50 m, hiện nay sạt lở còn khoảng 5-10 m.
* Tại hai vị trí thuộc dự án nâng cấp công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng K2+800 sạt lở đê bao dài 80 m, rộng 60 m; K6+670 sạt lở bờ sông dài 30 m, rộng 30 m.
* Tại vị trí K0+700 (dự án Rạch Sơn - Cầu Đen, xã An Nhơn Tây, Củ Chi) sạt lở bờ sông dài 100 m, rộng 30 m.
* Vị trí rạch Cây Da (dự án Sông Lu - Láng The), sạt lở bờ sông dài 15 m, rộng 10 m.
Theo Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM, tại các vị trí trên, khi kiểm kê và bàn giao mặt bằng, mép đê bao cách sông Sài Gòn 40-50 m, hiện nay sạt lở còn 5-10 m. Một số đoạn chưa triển khai thi công, công trình vẫn bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài các vị trí này, hiện nay đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở tại các vị trí khác dọc theo bờ sông Sài Gòn.