Kết thúc điều tra vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ giai đoạn 2, đề nghị truy tố 17 bị can

TPO - Ngày 2/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2. Theo đó, CQĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 17 người về các tội danh "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Che giấu tội phạm".

Đề nghị truy tố 17 bị can

Trong đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Trần Tùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên về 2 tội danh “Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị can Trần Tùng, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Bộ Công an

Có 5 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, gồm: Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt), Lê Thị Phượng (nguyên chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Văn (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) và Nguyễn Mạnh Trường (nguyên chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).

Ngoài ra, 10 người khác cũng bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, và một bị can đang bị điều tra về hành vi “Che giấu tội phạm”.

Theo Bộ Công an, vụ án này thuộc loại tham nhũng chức vụ đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, thu hút sự quan tâm lớn từ lãnh đạo các cấp, ban ngành và dư luận.

Hành vi của các bị can đã xâm phạm hoạt động của cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; đồng thời gây cản trở quá trình điều tra và làm giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tại giai đoạn 2 của vụ án, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ hành vi, phương thức và bản chất vi phạm của các bị can, cũng như các sai phạm khác liên quan.

54 người lĩnh án giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, 54 người đã bị truy cứu và tuyên phạt với các tội danh như “Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Trong số đó, 3 người đã nhận án chung thân về tội "Nhận hối lộ", gồm: Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị phạt 4 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 14 năm tù, và Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự) bị phạt 10 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Các cựu lãnh đạo địa phương như ông Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) và Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cũng bị phạt tù từ 3 đến 5 năm về tội "Nhận hối lộ".

Các cựu đại sứ và cán bộ đại sứ quán nhận án từ 18 tháng tù treo đến 4 năm tù, trong khi các doanh nghiệp đưa hối lộ bị phạt cao nhất 9 năm tù.

Hội đồng xét xử nhận định vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Nhóm bị can nhận hối lộ đã lợi dụng dịch bệnh và chức vụ của mình để nhũng nhiễu, tạo điều kiện xin-cho, buộc doanh nghiệp phải chi tiền. Hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan Nhà nước và gây bất bình trong xã hội.

Theo bản án, các thủ đoạn nhận hối lộ được thực hiện dưới hai hình thức: mặc cả hoặc gây khó khăn, buộc doanh nghiệp phải chi tiền theo "luật bất thành văn", với nhiều cựu lãnh đạo còn thông đồng hứa hẹn chia sẻ lợi ích.