Kết thúc có hậu của những vụ trao nhầm con sau sinh

Vụ trao nhầm con sau 6 năm ở Ba Vì không phải là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Trước đó, không ít gia đình cũng đã trải qua bi kịch này.

Những ngày qua, câu chuyện trao nhầm con sau 6 năm ở Ba Vì (Hà Nội) thu hút sự quan tâm của dư luận. Vào 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền sinh con trai tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.

Một thời gian sau, thấy cháu không giống bố, mẹ, nghi ngờ cháu Phùng Thanh H. không phải là con của mình, vợ chồng anh đã đi xét nghiệm và họ đã vô cùng sốc khi đứa con mình chăm sóc, nuôi dưỡng 6 năm nay lại không phải là con ruột của mình.

Sau đó, mọi việc được làm rõ, bệnh viện Ba Vì đã tắc trách trong việc giao trẻ sau sinh dẫn tới sự nhầm lẫn trên. 

Vợ chồng anh Phùng Giang Sơn và cháu Phùng Thanh H. (Ảnh: KT)

Ngày 14/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cho biết, sẽ sắp xếp cuộc gặp giữa bệnh viện và gia đình để giải quyết sự việc này nhanh  nhất, sớm cho các cháu về đoàn tụ với gia đình của mình.

Hạnh phúc tìm thấy con gái mấy chục năm chưa từng được bồng bế

Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Mai Hạnh (ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình.

Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ. Khi nhận con từ bác sỹ, thấy chân con là số 32, bà Hạnh và gia đình nghi ngờ vì không khớp với số 33 ở tay bà. Tuy nhiên, lúc đó bác sỹ giải thích do đưa con đi tắm nên số đã bị mờ và khẳng định đứa trẻ có số 32 đúng là con của bà.

Chị Tạ Thu Trang (áo cam) và bà Nguyễn Mai Hạnh (ở giữa) đều đã tìm được người thân thất lạc. (Ảnh: KT)

Đưa con gái về nuôi, thấy con càng lớn đều không giống bố, mẹ, nghĩ về sự việc năm ấy, bà Hạnh linh cảm đó không phải là con mình. Năm 1994, khi chị Tạ Thu Trang (người con bà Hạnh nuôi nhầm) được 20 tuổi, bà Hạnh đã cùng con gái đi làm xét nghiệm ADN thì cả hai lần đều cho kết quả chị Trang không phải là con ruột của bà Hạnh.

Sau nhiều năm nhờ các phương tiện truyền thông và cộng đồng tìm kiếm, năm 2017, bà Nguyễn Mai Hạnh vô cùng hạnh phúc vì đã tìm thấy người con gái suốt mấy chục năm chưa từng được bồng bế. Còn chị Tạ Thu Trang đã tìm được cha mẹ của mình sau 43 năm thất lạc.

Kết thúc có hậu trong vụ trao nhầm con ở Thanh Hóa

Ngày 6/12/2012, chị Trâm Anh (ở xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) được đưa vào Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa. Cùng hôm đó, có một sản phụ ở TP. Thanh Hóa cùng sinh con gái. Họ cùng sinh mổ nên sau khi mổ xong, hai sản phụ nằm chung buồng bệnh ở phòng hồi sức sau mổ. Sau vài giờ đồng hồ nằm ở phòng hậu phẫu, họ được nữ hộ sinh trao trả con.

Nuôi con, thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ, chị Trâm Anh lấy mẫu đi kiểm tra ADN. Hai vợ chồng chị vô cùng sốc và không thể tin vào sự thật rằng đứa con mà vợ chồng chị nuôi 4 năm qua không phải con mình.

Ngày 7/6/2016, vợ chồng chị quay lại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đề nghị tìm kiếm đứa con thất lạc. Sau đó, phía bệnh viện đã kết nối với 2 gia đình, và cả 2 gia đình đều đồng ý nhận lại con bị trao nhầm.

Câu chuyện trao nhầm con tại Bình Phước cũng đã từng khiến dư luận xôn xao. Sáng 10/1/2013, chị Nguyễn Thu Trang (26 tuổi, cựu Phó bí thư đoàn phường) sinh cùng phòng với chị Liên (24 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long.

Chị Trang sinh trước. Sau 5 ngày nằm viện, chị xuất viện đưa bé gái về nuôi bình thường mà không hề hay biết đã có chuyện bị nhầm lẫn. Sản phụ chung phòng xuất viện 1 ngày trước, hai nhà cách nhau khoảng 5km.

Thấy con lớn lên mà chẳng giống ai trong nhà, gia đình bên nhà chồng nghi ngờ chị Hiền ngoại tình, cuộc sống gia đình từ đó không hề yên ấm, vợ chồng thường xuyên lục đục.

Chị Trang và đứa con gái nuôi nhầm 3 năm. (Ảnh: KT)

Đầu tháng 5/2016, bố chị Trang thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu của mình nên nghi ngờ. Đưa con chị Trang xét nghiệm ADN thì phát hiện không cùng huyết thống.

Bệnh viện thị xã Bình Long đã đưa 2 bé gái nghi bị trao nhầm đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo.

Các hộ sinh của ca trực hôm ấy cho biết, trong lúc tắm rửa sau sinh, có thể dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên đã dẫn đến việc trao nhầm.

Sau khi nhận lại con ruột, cả hai gia đình nhận em bé bị trao nhầm làm con nuôi và vẫn liên lạc, thăm hỏi nhau thường xuyên./.

Theo Theo VOV