Kết quả Cánh diều 2021: Rực rỡ hơn nhờ Đêm tối và Bình minh

TP - Cánh diều Vàng cho phim truyện điện ảnh Đêm tối rực rỡ, Cánh diều bạc cho Bình minh đỏ làm nên điểm sáng cho bức tranh điện ảnh vốn ảm đạm suốt hai năm đại dịch. Không còn phải so bó đũa chọn cột cờ nữa, cánh diều điện ảnh bay lên nhờ chọn được giải vàng xứng đáng chứ không chấp nhận “vàng non” như nhiều mùa trước.

Đêm tối rực rỡ thắng thuyết phục

Hạng mục điện ảnh nổi lên hai ứng viên Bình minh đỏ và Đêm tối rực rỡ, có thể xem là hai đối trọng giữa phim nhà nước và tư nhân. Cuối cùng, hai phim đều thắng lớn trong đêm 13/9 trao giải Cánh diều 2021 tại Nha Trang.

Bình minh đỏ do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất, là tác phẩm đặt hàng về đề tài nữ bộ đội lái xe Trường Sơn. NSND Thanh Vân cùng đồng đạo diễn Trần Chí Thành thắng giải Đạo diễn xuất sắc. Bộ phim không lên gân, không đao to búa lớn đã thành công khơi gợi cảm xúc tự nhiên, sâu lắng-điều hiếm có dành cho dòng phim chiến tranh cách mạng.

Phim còn mang về giải Cánh diều bạc, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc, Âm thanh xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc, Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Phạm Bảo Hân và Nữ diễn viên triển vọng cho Phạm Quỳnh Anh. Cả hai gương mặt trẻ chạm ngõ điện ảnh đều ghi được dấu ấn nhờ sự tươi mới, tự nhiên. Điều bất ngờ đến với giải Nam diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh, giám khảo lựa chọn cậu bé Lại Trường Phú thủ vai bé Hùng của Maika-cô bé đến từ hành tinh khác.

Bộ đôi Thanh Sơn và Khả Ngân thắng giải Nam/Nữ chính xuất sắc phim truyền hình. Ảnh: FBNV

Con số 12 phim điện ảnh dự thi phần nào phản ánh sự khó khăn của điện ảnh nội suốt hai năm đại dịch. Bên cạnh số lượng phim kinh dị áp đảo, một vài phim có chất lượng làng nhàng hoặc thuần giải trí, Đêm tối rực rỡ bừng sáng nhờ cả câu chuyện, cách kể lẫn diễn xuất của cả dàn diễn viên không có ngôi sao.

Đạo diễn Aaron Toronto người Mỹ sống ở Việt Nam độ hai chục năm nay đã làm một phim đậm chất Việt. Bi kịch của một tang gia được gói trong một đêm, đạo diễn bóc tách và phơi bày những mâu thuẫn, mặt tối của các mối quan hệ trong gia đình Việt. Phim thắng Cánh diều Vàng thuyết phục, thêm giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh cho Nhã Uyên (vai Xuân Thanh), Biên kịch xuất sắc cho Nhã Uyên-Aaron Toronto, Nam diễn viên phụ xuất sắc và Quay phim xuất sắc.

Trầm cảm và bạo lực là bộ đôi cân xứng làm nên xương sống kịch tính cho Đêm tối rực rỡ. Qua đó có thể thấy phim bắt bệnh xã hội và tâm thức của người Việt khá chuẩn. Khi người ta vẫn hay mượn bạo lực để đại diện cho mặt đối lập với nó: Yêu cho roi cho vọt. Nhưng người Việt còn có câu: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Dù sao thì sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau giữa các thế hệ trong gia đình là một thực tế hiển nhiên, và sẽ tốt hơn nếu nó không chỉ được vận hành một chiều từ trên xuống.

Với những kịch tính và bạo lực dồn nén trong một khung cảnh, có thể nói bộ phim hơi quá tải so với khả năng tiếp nhận trung bình của khán giả Việt. Không để khán giả bị sốc hơn nữa, đạo diễn đã chọn một cái kết tươi sáng, cho dù hơi vội và có phần “viễn tưởng”. Dù còn đôi chỗ chưa hoàn hảo như thoại quá nhiều gây mệt mỏi, hoặc để diễn viên chính đang mang thai tháng thứ 8 diễn cảnh trầm cảm, tự ngược đãi bản thân... Đêm tối rực rỡ vẫn trội hơn hẳn trong mặt bằng phim Việt ra mắt thời gian qua. Nó góp thêm chút “gió” để diều bay lên.

Truyền hình lại được mùa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng NSND Trà Giang, Đào Bá Sơn trao giải Cánh diều Vàng cho ê-kíp “Đêm tối rực rỡ”

Ở các hạng mục của phim truyền hình, tác phẩm của VTV thắng lớn dù đi qua hai mùa dịch căng thẳng. Hai phim 11 tháng 5 ngày và Thương ngày nắng về phần 1 được đồng giải Vàng cho phim truyền hình xuất sắc. Phim về đề tài gia đình, xã hội vẫn chiếm ưu thế, cùng với sự góp mặt của hai tác phẩm chính luận Phố trong làng và Bão ngầm. Cây táo nở hoa của đạo diễn Võ Thạch Thảo của truyền hình phía Nam được xướng tên ở giải Cánh Diều Bạc, cũng thêm một phim về đề tài gia đình. Điện ảnh điêu đứng vì đại dịch, nhưng phim truyền hình vẫn bội thu, thêm những bộ phim được khán giả yêu thích.

Giải thưởng Nam/Nữ diễn viên xuất sắc phim truyền hình gọi tên cặp diễn viên chính của 11 tháng 5 ngày-Thanh Sơn và Khả Ngân. Nam/Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình thuộc về Hương Giang (Mùa hoa tìm lại) và NSƯT Võ Hoài Nam (Hương vị tình thân)-vai diễn đánh dấu sự trở lại của tài tử điện ảnh phía Bắc sau hơn chục năm vắng bóng. Đạo diễn Bùi Tiến Huy nhận giải Đạo diễn xuất sắc (Thương ngày nắng về). Giải Biên kịch phim truyền hình xuất sắc cho Đặng Thị Diệu Dương-Lê Thu Thủy-Nguyễn Mạnh Cường (Phố trong làng).

Khả Ngân gây bất ngờ khi vượt qua hai gương mặt gạo cội trong danh sách đề cử-NSƯT Thanh Quý (Thương ngày nắng về) và nghệ sĩ Ngân Quỳnh (Mẹ trùm). Đặt lên bàn cân sẽ thấy tiếc cho NSƯT Thanh Quý, bởi vai bà Nga béo chinh phục khán giả bằng sự dung dị, tự nhiên trong khi đó diễn xuất của Khả Ngân gây tranh cãi. Những tập đầu 11 tháng 5 ngày lên sóng, Khả Ngân chịu khá nhiều đả kích vì diễn xuất “đơ” và lên gân. Dần dà phản ứng “hóa học” với diễn viên Thanh Sơn giúp diễn xuất của Khả Ngân mềm hơn, cùng nhau tạo ra sự bùng nổ trên màn ảnh nhỏ.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng- thành viên Ban giám khảo Phim truyền hình- khẳng định, giải thưởng dành cho nữ diễn viên 9x “xứng đáng” bởi Khả Ngân có “năng lượng, sự nhiệt huyết và tự nhiên trong diễn xuất”, đặc biệt có sự tiến bộ sau từng phân đoạn. Trao đổi với PV Tiền Phong về các giải thưởng của hạng mục truyền hình, NSƯT Đặng Tất Bình, Trưởng BGK Phim truyền hình khẳng định, các thành viên giám khảo đã tập trung xem rất kỹ gần 700 tập phim dự thi, với tinh thần trách nhiệm cao.

“Về diễn xuất, gần như các nghệ sĩ gạo cội cùng dàn diễn viên trẻ ở cả Nam và Bắc đều hoàn thành xuất sắc vai diễn được giao. Theo đánh giá của chúng tôi, các diễn viên chính Thanh Sơn- Khả Ngân, Hương Giang-NSƯT Võ Hoài Nam (giải diễn viên phụ) có sự nổi trội hơn cả”, NSƯT Tất Bình nhận định. Ông bày tỏ sự tin tưởng những diễn viên thắng giải lẫn những cái tên góp mặt trong danh sách đề cử sẽ có thêm đóng góp mới cho phim truyền hình Việt.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Cánh Diều được mùa

PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng BTC giải Cánh diều 2021 thở phào sau một mùa trao giải có nhiều yếu tố mới: lần thứ 19 tổ chức, nhưng lần đầu rời khỏi hai địa điểm quen thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Người làm điện ảnh có thêm động lực làm nghề, bởi lễ trao giải có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa...

Chia sẻ với Tiền Phong, Chủ tịch Hội nhận thấy sự đánh giá của các BGK thể hiện sự công tâm. “Mỗi mùa tổ chức có đặc điểm khác nhau về số lượng phim tham gia, thể loại và cách thể hiện. Giải Cánh diều hướng đến sự tôn vinh tác phẩm có tay nghề, thể hiện cái mới-trong cách kể, câu chuyện. Chẳng hạn ở thể loại tâm lý xã hội, tác phẩm mô tả góc khuất, sự biến đổi tâm lý nhân vật nhưng điều quan trọng phải hướng thiện, nhân văn. Đêm tối rực rỡ là bộ phim cho thấy rõ tay nghề của đạo diễn, có nhiều mặt nổi trội ở cách thể hiện. Xung quanh đám tang, ta thấy đạo diễn vạch trần tận cùng sự xấu xa. Và cái kết được xử lý giỏi ở chỗ làm cho các nhân vật hướng thiện, biết buông bỏ, tha thứ và yêu thương nhau”, PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.

Lãnh đạo Hội cho rằng, đối với Cánh diều bạc Bình minh đỏ, đạo diễn vượt khỏi khuôn mẫu phim chiến tranh cách mạng. Bằng số phận của các nhân vật, giữa lằn ranh cái chết tạo được sự lay động, gợi những cảm xúc rất thật về các cô gái lái xe Trường Sơn. “Điều đáng mừng là sau đại dịch COVID-19, giải Cánh diều 2021 được mùa, đặc biệt là ở hạng mục được quan tâm nhất-phim điện ảnh”, PGS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

NGUYÊN KHÁNH