Ngày 23/6, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố bị can Tề Trí Dũng cùng 6 đồng phạm về tội “Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo KLĐT, dự án khu định cư An Phú Tây có diện tích gần 47 ha, được UBND TPHCM giao cho Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO - công ty con của IPC).
Tháng 6/2008, IPC và SADECO ký hợp đồng, qua đó IPC góp vốn với SADECO để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận lại nền đất tại dự án An Phú Tây. Tổng trị giá hợp đồng này là gần 215 tỷ đồng.
Ngày 18/5/2016, ông Tề Trí Dũng ký tờ trình gửi Hội đồng thành viên (HĐTV) IPC và được HĐTV chấp thuận thông qua chủ trương giá bán sỉ đối với các nền đất tại dự án An Phú Tây.
Cùng thời điểm, SADECO lập tờ trình xin ý kiến lãnh đạo IPC, đề xuất chuyển nhượng 35 nền đất với đơn giá 7 triệu đồng/m2 cho nhiều cá nhân và cũng được IPC chấp thuận.
KLĐT cho rằng, thời điểm 2016, SADECO đang bán các nền đất tại dự án An Phú Tây với đơn giá thấp nhất 8,16 triệu đồng/m2, cao nhất 16,8 triệu đồng/m2. Đến năm 2018, IPC tiếp tục chuyển nhượng 50 nền đất cho nhiều cá nhân với đơn giá 8,25 triệu đồng và 8,8 triệu đồng/m2...
KLĐT xác định có đến 149 nền đất được IPC nhận chuyển nhượng bằng nguồn tiền của IPC, do đó số lượng đất nền này được xác định là tài sản của Nhà nước. 149 nền đất nêu trên chuyển nhượng với giá rẻ hơn giá thị trường, và giá rẻ hơn giá SADECO đang kinh doanh, mặc dù có cùng loại nền và cùng dự án An Phú Tây, gây thiệt hại hơn 127 tỷ đồng.
Ngoài ông Tề Trí Dũng, 6 bị can còn lại là ông Trần Đăng Linh (cựu Phó Tổng giám đốc IPC), ông Vũ Xuân Đức (cựu Phó Tổng giám đốc IPC), bà Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO), ông Mai Văn Đường (cựu Chủ tịch HĐTV IPC), ông Mai Bửu Tâm (cựu nhân viên phòng phát triển kinh doanh), ông Phạm Xuân Trung (cựu Phó Tổng giám đốc IPC) – cùng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.