Công trình tiền tỷ, hiệu quả bằng 0
Năm 2012, công trình kênh tưới vùng cao hồ Thọ Sơn (thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) ra đời từ một nhánh đầu tư phụ, thuộc Tiểu dự án thủy lợi Tây nam Hương Trà (có tổng mức trên 252 tỷ đồng). Công trình thiết kế tưới cho khoảng 150 ha đất màu, ruộng khô, giải quyết nạn khô hạn hằng năm vào cuối vụ đông xuân, đầu hè thu tại vùng tây nam thị xã Hương Trà. Công trình tuy có tổng vốn đầu tư 3,587 tỷ đồng, nhưng hiệu quả sau 4 năm hoàn thành, bàn giao thì bằng 0.
Bà Trần Thị Thu, nông dân phường Hương Xuân, phản ánh, khi xây dựng kênh, gia đình bà mất hơn 500m2 đất trồng hoa màu do bị giải tỏa để làm công trình. Khi kênh thủy lợi hình thành chạy qua ruộng đồng gây chia cắt địa hình, gia đình bà Thu và nhiều hộ trong vùng gặp rất nhiều khó khăn về đi lại, sản xuất, thu hoạch hoa màu. Nông dân Trương Đình Bửu (ngụ tại Thượng Thôn, phường Hương Xuân) cho biết, công trình chiếm nhiều diện tích đất sản xuất, chạy qua hàng cây số ruộng đồng nhưng không hoạt động, gây khó khăn cho nông dân trong canh tác, đi lại.
“Hệ thống kênh mương to đùng, xây xong 4 năm đem bỏ hoang rất lãng phí, tới giờ vẫn chưa tưới được giọt nào. Trong khi, nhiều vùng vẫn thiếu nước tưới trầm trọng”, ông Nguyễn Văn Thủy (ngụ thôn Liễu Nam, phường Hương Xuân) bức xúc. Theo ông Thủy, tại các buổi tiếp xúc cử tri gần đây, nhiều người chất vấn gay gắt các ngành chức năng về hiệu quả đầu tư kênh mương, nhưng chưa có cơ quan nào hồi âm cho nông dân rõ.
Loay hoay phương án tưới
Theo quan sát của phóng viên, hệ thống kênh tưới vùng cao Thọ Sơn xuất phát từ chân đập thủy lợi hồ Thọ Sơn (phường Hương Xuân). Nhiều đoạn công trình được thiết kế chạy nổi tốn kém, trông như cầu đường bộ, qua nhiều vùng ruộng đồng rộng lớn. Tất cả các tuyến kênh do bị bỏ hoang lâu ngày nên chìm trong cỏ dại. Nông dân còn biến nhiều đoạn kênh tiền tỷ thành điểm xả rác sau sản xuất như rơm rạ, thân cây sắn khô…
Đáng chú ý, tại điểm đấu nối từ khu bể cấp của hồ thủy lợi Thọ Sơn ra họng kênh tưới, mực nước ở đây rất thấp. Nhiều người nghi ngờ, đây chính là nguyên nhân khiến họng kênh tưới nằm “ngất ngưởng” trên cao không thu được nước lấy từ bể cấp để phục vụ cho nhiều vùng ruộng đồng thị xã Hương Trà.
Theo ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Cty Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi TT-Huế, công trình kênh tưới vùng cao Thọ Sơn được đơn vị tiếp nhận từ tiểu dự án Tây nam Hương Trà vào năm 2013. Từ đó đến nay, do kênh nhánh rẽ chưa có, phía thị xã Hương Trà cũng chưa làm quy hoạch chi tiết vùng trồng hoa màu, nên công trình chưa thể đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, phía Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho hay, họ cần biết trữ lượng nước tưới qua hệ thống là bao nhiêu thì mới quy hoạch được vùng cây trồng liên quan công trình tưới trên cao Thọ Sơn.
Ông Đỗ Văn Đính cho rằng, ngành nông nghiệp Hương Trà cần sớm có phương án hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển đổi hoa màu sang loại cây cho năng suất, chất lượng cao; kết hợp sử dụng phương pháp tưới phù hợp, lúc đó kênh vùng cao Thọ Sơn mới phát huy được hiệu quả.