Bước tiến của công nghệ thông tin, của thế giới ảo nhanh đến mức loài người vừa hăm hở đón nhận, vừa ngày ngày ngỡ ngàng nhận ra những “tác dụng phụ” không mong muốn của thế giới ảo, cái trước tiếp bước cái sau chưa biết đến bao giờ mới “bão hòa”.
Trong khi đó, con cái chúng ta cứ mỗi ngày mỗi lớn và cũng giống như người lớn, chúng đang sống trong cái gọi là “cyberworld”, tạm dịch là thế giới ảo, thế giới trên internet. Một thế giới mà cái đúng, cái sai, thị phi hỗn độn. Một thế giới không có biên giới theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi trẻ bước vào thế giới ảo, chúng dường như được giải phóng khỏi cái tôi thường nhật, khỏi những huấn thị của thầy cô và cha mẹ, bởi những người này không thể, hoặc ít ra là rất khó có thể can dự vào cái tôi trên mạng của chúng.
Vì thế, cũng đừng ngạc nhiên khi thấy con bạn, ngày thường vốn là đứa trẻ vâng lời, ngoan ngoãn nhu mì nhưng trên mạng có thể trở thành một “đại ca”, “đầu gấu”, bình thường vẫn tỏ ra xấu hổ trước những cảnh yêu đương mùi mẫn trên tivi khi xem cùng cha mẹ nhưng thực tế rất rành “ba cái chuyện người lớn”.
Người viết bài này đã từng thực hiện một số cuộc “phỏng vấn bỏ túi” mà đối tượng là những bậc cha mẹ có chút hiểu biết công nghệ mạng, thông tin internet và gần như tất cả đều đồng ý với nhau rằng, không thể cấm đoán trẻ sử dụng internet hay tham gia các mạng xã hội. Nhưng họ cũng nhận thức rất rõ ràng rằng thế giới mạng là con dao nhiều lưỡi trong khi đứa trẻ với nhận thức non nớt, rất dễ “đứt tay”.
Đó là đối với những bậc cha mẹ có điều kiện cập nhật công nghệ. Còn đó biết bao nhiêu gia đình mà khác biệt thế hệ thể hiện rất rõ qua chiếc máy tính. Một ông bố không biết công nghệ, không rành máy tính thì sao có thể đủ khả năng kiểm soát và giảng giải điều hay lẽ phải cho con khi nó bước chân vào thế giới mạng? Cấm đoán thì không thể, và xét cho cùng, cũng không nên.
Vậy thì phải làm sao? Đây thực sự là câu hỏi rất khó trả lời, trong bối cảnh mà loài người dù sáng tạo ra mạng máy tính toàn cầu, vẫn chưa lường hết được những mặt trái mà internet mang lại. Điều chắc chắn là sự liên thông, khai phóng của mạng internet là thứ không thể cưỡng lại, giống như chiếc hộp Pandora đã mở ra. Chỉ hy vọng là thứ duy nhất còn sót lại, cũng như sự hy vọng vào phương cách nào đó để chúng ta sử dụng mạng internet vào những việc hữu ích, tránh được hoặc hạn chế tối đa những tác động xấu mà nó mang đến với mỗi gia đình và với cả xã hội loài người.
(*) Trong thần thoại Hy Lạp, chiếc hộp Pandora chứa toàn những điều xấu xa nhưng có cả niềm hy vọng