Bài 1: Hàng loạt dự án dậm chân
Hầu hết các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội lâm vào tình trạng chậm tiến độ, khiếu kiện kéo dài. Trong khi đó, sự quan tâm của chính quyền còn khá hời hợt; chính sách cứng nhắc, bất hợp lý chậm được tháo gỡ…
Lúc chết vẫn chưa được trở về nhà
Bà Phạm Thị Tâm tiếp chúng tôi trong căn phòng chật hẹp, xuống cấp của gia đình người con trai tại B6 Thành Công. Ở tuổi 85 lẽ ra cuộc sống của bà đã ổn định hơn tại căn nhà của mình ở B6 Giảng Võ, nhưng bà có ngờ đâu rằng việc ký vào thỏa thuận với chủ đầu tư lại đẩy bà và biết bao người dân tại đây vào cảnh tạm cư hết năm này qua năm khác.
“Chúng tôi không có bất cứ mong muốn gì hơn với chủ đầu tư là được trở về sống tại chính căn nhà của mình”, bà Tâm nói. Theo bà, trong hơn 6 năm đi tạm cư, một số người dân đã chết mà chưa biết hình hài căn nhà mới ra sao. Ông Vũ Kim Cầu (73 tuổi, cũng là cư dân nhà B6 Giảng Võ) cho biết, ngoài một số rất ít hộ dân được ở nhờ nhà bà con họ hàng, còn lại đều phải đi thuê nhà, cuộc sống tạm bợ, vất vả…
“Cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ mang tính xã hội nên cần có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tốt hơn. Người dân cũng cần có trách nhiệm hơn trong phối hợp với cơ quan chức năng”.
Đại diện Handico 7
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhà đầu tư (vào khảo sát, điều tra xã hội học, lập quy hoạch cải tạo nhiều khu tập thể cũ như Thành Công, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thanh Xuân, Văn Chương…) nói rằng, họ hết sức mệt mỏi với tình trạng cả chục năm ngồi chờ quy hoạch.
Tình trạng thiếu rõ ràng về quy hoạch chi tiết, tầng cao khiến nhiều dự án dậm chân tại chỗ gây lãng phí, tốn kém cho các bên tham gia. Ngay cả sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung thì vẫn phải chờ quy hoạch phân khu chức năng, cơ chế đầu tư cũng không ổn định. Hàng loạt dự án từng dậm chân tại chỗ nhiều năm do giải phóng mặt bằng như B4-B14 Kim Liên; A1, A2 Nguyễn Công Trứ; C1 Thành Công… Nhiều dự án khác đang vướng khiếu kiện kéo dài và sự bất hợp tác từ một bộ phận người dân.
“Đánh đu” với nhà đầu tư
Bên trong chung cư cũ C5 Quỳnh Mai, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại diện Handico 7 kiến nghị, với mỗi khu vực, địa bàn, phải có các yêu cầu, “đầu bài” khác nhau. Không thể áp dụng một mức tỷ lệ bồi thường cho tất cả các dự án vì vị trí thương mại, giá trị đất khác nhau. Ví dụ, dự án bên trong vành đai I thì phải khác với dự án trong vành đai II. Tỷ lệ bồi thường của dự án nằm trong các quận trung tâm khác với tỷ lệ bồi thường khi dự án nằm ở các quận ít bị hạn chế tầng cao.
Chính quyền thả nổi?
Ông Vũ Kim Cầu, Tổ trưởng tổ đảng nhà B6, cho rằng, phải có cơ quan chịu trách nhiệm trong việc chậm triển khai xây dựng lại nhà B6 do đã thẩm định sai năng lực của nhà đầu tư. Việc kiểm soát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án cũng bị thả nổi dẫn đến dự án đắp chiếu kéo dài. “UBND thành phố là cơ quan quyết định cho chuyển nhượng dự án B6. Nếu các sở, ngành và thành phố thẩm định đúng năng lực và giám sát chặt chẽ nhà đầu tư thì làm sao có chuyện dự án bị bỏ hoang như vậy?”, ông Cầu nói.
“Sự đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp còn yếu. Một số cơ quan chức năng cứ hô hào chung chung vậy thôi chứ khi cần ra văn bản xử lý vi phạm hành chính một hộ dân vi phạm, cố tình không bàn giao mặt bằng cũng có khi om vài tháng mặc dù đã đầy đủ hồ sơ. Như vậy, chúng tôi triển khai làm sao được?”, đại diện một nhà đầu tư đã triển khai dự án cải tạo chung cư cũ nói. Một điều dễ thấy trong triển khai các dự án vừa qua là sự thiếu quyết liệt của thành phố đối với các chủ đầu tư yếu kém dẫn đến dự án bị đình trệ, dây dưa nhiều năm, vị này nói.
(Còn nữa)