Ngày 12/7, cuộc họp thượng đỉnh của tất cả thành viên Liên minh châu Âu (EU) về khả năng đàm phán đã bị hủy. Thay vào đó, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính eurozone hôm 11/7 được kéo dài đến 12/7.
Các chủ nợ, trong đó có Đức, tỏ ra hoài nghi về việc Athens sẽ cải cách kinh tế, tăng thuế, giảm lương hưu..., sau khi đa số dân Hy Lạp bác bỏ điều này trong cuộc trưng cầu dân ý. Bộ Tài chính Đức thậm chí còn đề xuất Hy Lạp tạm ra khỏi eurozone trong 5 năm. “Đây là nỗ lực nhằm làm nhục Hy Lạp và người Hy Lạp, hoặc để lật đổ chính phủ của ông Alexis Tsipras”, ông Dimitrios Papadimoulis, chính khách Hy Lạp, đồng thời là Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, nói.
Các bộ trưởng tài chính eurozone muốn Hy Lạp cam kết mạnh hơn trong việc tự do hóa thị trường, luật lao động, cổ phần hóa, cải cách hành chính nhà nước, cắt giảm chi tiêu quốc phòng, và thông qua nhiều luật chủ chốt vào tuần tới. “Những đề xuất đó là để trừng phạt. Đó là một hình thức trả đũa”, nghị sĩ Hy Lạp Dimitri Sevastakis nói. Thủ tướng Hy Lạp đang phải đối mặt áp lực từ việc xuống thang với các chủ nợ, trong khi một số thành viên trong đảng của ông từ chối ủng hộ các biện pháp khắc khổ. Ông Tsipras có thể phải giải quyết sự bất đồng này thông qua cải tổ, thậm chí bầu cử sớm.