Huyền thoại Bạch Đằng giang: Gặp hậu duệ đóng thuyền ngược gió

TP - Đảo Hà Nam, TX Quảng Yên (Quảng Ninh), là chiến địa lừng lẫy chứng kiến chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng vào những năm 938, 981, 1288. Trải gần 1.000 năm, và còn đó những con người là kiến giải, minh chứng cho chiến thắng đó.

Truyền nhân đời thứ 17

Bắt nguồn từ hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, sông Bạch Đằng hiểm yếu, hùng vĩ chảy giữa hai huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh). Khi thủy triều lên, mặt sông trải rộng hơn 1.200m, là nơi tập trung của 5 con sông: sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Giá, sông Thái, sông Gia Đước bên hữu ngạn đổ ra biển. Sông Chanh bây giờ chính là sông Bạch Đằng xưa.

Chúng tôi tìm về đảo Hà Nam trong một buổi sáng sớm đầu hè, cách TP Hạ Long chừng 40km nhưng cuộc sống của người dân nơi đây dường như khác hẳn với những miền quê khác. Nằm tách biệt đảo Hà Nam nức tiếng với những truyền thống anh hùng trong thời chiến và uyển chuyển,  năng động trong thời bình.

Đến đầu phường Phong Hải, hỏi ông “Chắn thuyền buồm” ai cũng cười bảo - “Các chú muốn đến nhà hay ra chỗ đóng thuyền? Giờ này chắc ông đang ngoài bến”. Phường Phong Hải rộng thênh thang, đi hết phường cũng mất gần nửa ngày, nhưng hỏi ai cũng biết ông Chắn. Họ không những biết mà còn tường tận ông đang đi đâu và làm gì.

Ông Lê Đức Chắn, Nghệ nhân ưu tú, là truyền nhân đời thứ 17 của nghề đóng tàu, thuyền truyền thống ở làng đảo Hà Nam. Ngay từ lúc chập chững biết đi, ông Chắn đã thích thú nhìn ông nội và cha đóng thuyền. Tuổi thơ của ông gắn liền với lưỡi cưa, chiếc búa. Đến năm lên 10, ông nội và cha mang tất cả bí kíp của nghề truyền dạy cho.

Xưởng đóng tàu của gia đình ông Chắn có thể đóng tàu công suất lớn trên 1.000CV.

Gặp chúng tôi, ông vui vẻ cười, bảo: “Các chú cứ ra gốc cây kia ngồi đợi tôi chút cho đỡ nắng, tôi đang dở tay chỉnh lại sợi dây sóng buồm”. Nhìn dáng người tráng kiện đứng đầu mũi thuyền, làn da rám nắng cùng đôi bàn tay thoăn thoắt kéo từng sợi thừng to bằng cổ tay, ít ai nghĩ ông cận kề tuổi 70.

Cả làng đảo Hà Nam đa số đều theo ngư nghiệp. Thuyền đối với họ như ngôi nhà thứ 2, thuyền chở che sinh mệnh của những người con làng biển trước phong ba bão táp. Từ xa xưa, Hà Nam không có trên bản đồ, nơi đây chỉ là một đảo chìm nằm giữa sông Bạch Đằng, các cụ Tiên công của làng khi đi qua đây, nhận thấy điều kiện tốt đã cùng nhau quai đê, đắp đập lấn biển để có được Hà Nam như ngày nay.

“Từ xưa tới nay, thợ đóng tàu, thuyền vùng này hầu hết là con cháu Tiên công thuộc họ Nguyễn, họ Lê và họ Vũ. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, cuối cùng từ năm Thành Thái, Quan Bố Chánh sứ Quảng Yên đã giao trách nhiệm truyền lại nghề cho ông Nguyễn Văn Phúc, người làng Cốc Hà Nam. Ông Nguyễn Văn Phúc có trách nhiệm truyền thụ nghề này trong làng. Từ đó đến nay nghề này cứ được lưu truyền từ đời này qua đời khác” - Ông Chắn tâm sự.

Nghề đóng tàu, thuyền của làng ông có từ bao giờ ông cũng không nhớ rõ, nhưng đến đời của ông đã mấy lần ông phải nghỉ nghề vì không theo nghiệp gia đình. “Những năm 80, nghề đóng tàu, thuyền dường như không thể tồn tại được. Kinh tế khó khăn, không một ai đến hỏi mua thuyền. Thuyền được đóng ra không thể hạ thủy. Tiền vật liệu, công sức đều đổ hết vào thuyền, cả nhà phải nhiều phen nhịn đói” - Ông Chắn bồi hồi nhớ lại.

Không theo nổi nghiệp của cha, ông, ông Chắn chuyển sang làm chăn nuôi để phụ giúp vợ con. Nhưng ông cứ nuôi con gì, trồng cây gì đều bị chết yểu. Nhiều đêm ngồi bần thần bên bờ sông Chanh, ông nhớ nghề da diết. Nhớ những hào khí một thời cha ông đóng chiến thuyền giúp vua đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhớ những cánh buồm vít gió nhẹ đưa thuyền về đầy ắp cá trong khoang. Ông quyết định từ bỏ tất cả để quay lại với nghề.

“Tôi có 4 đứa con trai, đứa nào cũng sáng dạ và yêu nghề, chỉ cần chỉ qua một lần là chúng làm lại còn tốt hơn cả mình. Khi 5 cha con tôi quyết định quay lại đóng thuyền, mỗi ngày cả nhà chỉ ăn có 1 bữa nhưng tinh thần sảng khoái vô cùng. Dần dần, kinh tế người dân đi lên, nhiều người đến hỏi mua và đặt làm thuyền lớn. Đến nay, xưởng lớn của thằng cả có thể đóng được tàu hơn 1.000CV vươn Trường Sa, Hoàng Sa” - Ông Chắn nói.

Với ông, bài học đầu tiên mà ông dạy thợ thuyền là phải sống hết mình với nghề. Dù khó mấy, khổ mấy cũng phải giữ ngọn lửa của tổ tiên để lại. Phải coi thuyền như chính con mình sinh ra, phải tỉ mỉ từng chi tiết. Dùng gỗ tốt để đóng thuyền, ăn lời ít để thuyền có chất lượng. “Con thuyền nắm giữ sinh mạng của người đi biển, chúng tôi đóng không tốt cũng đồng nghĩa với gián tiếp việc giết người” - Ông Chắn nói.

Thuyền buồm ba vát chạy ngược gió bên bờ sông Bạch Đằng.

Bí ẩn thuyền chạy ngược gió

Đầu năm 1288, Trần Hưng Đạo đã nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật thủy triều của sông Bạch Đằng để vạch ra thế trận bãi cọc mai phục quân thù. Các loại gỗ lim, gỗ táu được đốn trên rừng và kéo về bờ sông để đẽo nhọn, cắm xuống lòng sông theo hình chữ “Chi” làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước. Khi quân địch vào trận địa, loay hoay với những bãi chông ngầm, quân và dân nhà Trần đã cơ động dùng thuyền nhỏ đánh úp quân thù làm nên chiến thắng lịch sử Bạch Đằng giang.

Cũng từ đó, ở đảo Hà Nam (Quảng Yên) có một loại thuyền buồm đi ngược gió, đó là thuyền buồm ba vát cánh dơi, loại thuyền có thể di chuyển trong mọi hoàn cảnh thời tiết mà không cần dùng sức người. Nhỏ gọn, linh hoạt và đặc biệt là rất chắc chắn và cơ động.

Nguyên lý di chuyển của con thuyền ba vát cánh dơi khi chạy xuôi gió thì vật buồm kiểu cánh tiên, khi chạy ngang gió thì cột buồm kiểu pha chằng và cột vát 2 buồm khi chạy ngược nước, ngược gió. Khi gió lên, phải gò sát dây lèo buồm sau, ở phía lái vào một bên mạn thuyền cho buồm căng lên hơi chéo góc hướng về cánh buồm phía trước đã được thả hơi chùng. Gió đập vào cánh buồm sau vốn rất căng nên bật lại đập ngược về cánh buồm trước tạo thành sức đẩy con thuyền tiến lên. Con thuyền sẽ chạy vát nghiêng về bên không có gió, tiến lên theo đường chữ “Chi”.

Ông Chắn nhớ lại, lúc còn nhỏ vẫn nghe ông nội và cha nói về thuyền buồm ngược gió, cả hai người nhiều lần đóng loại thuyền này nhưng lúc đấy không hiểu được nguyên lý sâu xa. Đến sau này, ông được ông nội kể lại hình ảnh 1 chiếc thuyền buồm chạy ngược gió đã giúp quân dân nhà Trần làm nên chiến thắng lịch sử sông Bạch Đằng. Chính những con thuyền này là cơ duyên hình thành nên  Đoàn tàu Không số vận tải lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam.

“Tôi suy đoán rằng, cha ông ta đã nhử giặc chạy vào thế trận. Sau đó thuyền ta thì cứ ngược nước mà chạy. Trong khi tàu giặc loay hoay xuôi chẳng được, ngược chẳng  xong thì cha ông ta phản kích trên bãi cọc cắm sẵn” - Ông Chắn khẳng định. Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng VH-TT TX Quảng Yên, người được gọi là “nhà Quảng Yên học” cũng cho rằng, chính những con thuyền có thể chạy ngược gió bằng cánh buồm này đã từng làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Đặc biệt, dựa trên chuyển động của chiếc thuyền buồm ngược gió này là hình chữ “Chi” trùng khớp với hình dạng cắm cọc dưới đáy sông Bạch Đằng cũng theo hình chữ “Chi”. Có mối liên quan đến nghệ thuật “Lấy ít địch nhiều”, ông cha ta sáng tạo ra con thuyền gỗ ba vát buồm cánh dơi, nhỏ nhẹ, nhanh nhẹn, cơ động. Kiểu con thuyền của vùng sông nước Bạch Đằng này chưa nơi nào có.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Chắn theo cha đến các hợp tác xã vận tải Bạch Đằng, Hồng Phong đóng những con tàu vận tải chở lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam. Bất kể ngày đêm, cha con ông cùng thợ thuyền đục đẽo, cưa gọt để đóng kịp tàu chở hàng chi viện cho khát vọng thống nhất.

Không chỉ Đoàn tàu Không số dùng tàu này để chở hàng vào Nam, sau này, công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) Quảng Ninh một thời gian cũng dùng thuyền này để canh giữ biển đảo. “Ngày đó, tôi chỉ 18-19 tuổi, mới chân ướt, chân ráo bước vào nghề nên hăng hái lắm. Dù cho mưa bom, lửa đạn dội ngoài xưởng nhưng mọi người ai cũng tích cực lao động, lấy tiếng đục, tiếng gõ búa át đi tiếng bom để đóng kịp tàu chở hàng chi viện cho miền Nam” - Ông Chắn hồ hởi kể.

Hiện nay, người dân ít đóng tàu, thuyền ba vát chạy bằng buồm cánh dơi như trước nữa mà chuyển sang đóng tàu chạy bằng máy thủy. Tuy nhiên, các thợ ở đây vẫn sử dụng các kỹ thuật truyền thống áp dụng vào đóng tàu như: Đáy tàu và lái vẫn làm lườn bằng, lái vuông, do vậy tàu chạy rất đằm và sức chở lớn. Với đặc thù và tính năng này mà nhiều ngư dân ở vùng khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… vẫn về làng nghề đặt đóng tàu, thuyền.

Tuy loại thuyền buồm ba vát cánh dơi không còn được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống nhưng nó là hình ảnh minh chứng của lịch sử về vùng đất chiến địa đảo Hà Nam, nơi chứng kiến những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc. Giống như lời bài thơ ông Chắn đọc tặng chúng tôi trước khi chia tay - “Bạch Đằng giang còn đó/ Thuyền ba vát còn đây/ Lịch sử vẫn còn ghi/ Dân Hà Nam anh hùng”.

Kỳ 2: Dọc miền ký ức Bạch Đằng giang

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2687 công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn TX Quảng Yên. Đây là điều kiện tốt để những nghệ nhân đóng tàu, thuyền ở Quảng Yên bảo tồn và phát triển nghề mấy trăm năm lịch sử.