Ngày 22/8, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, ban ngành, đoàn thể các cấp của huyện đã triển khai nhiều phần việc thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về công tác đào tạo nghề, hàng năm Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện tổ chức cả chục lớp dạy nghề (hàn xì, đan móc, kỹ thuật chế biến món ăn…) cho hàng trăm lao động nông thôn, trong đó ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tại các xã đặc biệt khó khăn.
Sau khi học nghề, 110 lao động được các cơ sở sản xuất và dịch vụ tiếp nhận làm việc lâu dài. Nhiều học viên khác có thể hàn các công cụ sản xuất hoặc chế biến món ăn để bán online, có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Ông Võ Khắc Chương, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, nhiều hộ nghèo và người khuyết tật ở Đức Trọng có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chí thú làm ăn, hỗ trợ nhau để thoát nghèo bền vững.
Chẳng hạn, được sự hỗ trợ của các ban ngành, đơn vị chức năng, hợp tác xã Vươn Lên (thị trấn Liên Nghĩa) đã mở các lớp đào tạo nghề đan móc, đánh máy… cho người khuyết tật.
Nhìn những con thú nhồi bông xinh xắn, những chiếc mũ len và khăn choàng rất đẹp do các chị đan móc, ít ai nghĩ đây là những sản phẩm do những người khuyết tật làm nên. Nhờ luôn đổi mới mẫu mã và nhiều cách tiếp thị, hợp tác xã Vươn lên tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp hàng chục hội viên có thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, tùy theo số lượng hàng làm được.
Đối với chính sách giải quyết việc làm, huyện triển khai thông qua các hình thức như vay vốn, xuất khẩu lao động, làm việc tại các trang trại, khu công nghiệp, khu chế biến. Hàng năm giải quyết việc làm cho từ 4.000-4.500 lao động; tổ chức cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Song song đó, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã cho 13 ngàn lượt hộ vay ưu đãi với dư nợ hơn 418 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2022).
Ngoài ra, 62 hộ được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề với số tiền 3,35 tỷ đồng. Số tiền này được đầu tư mua sắm nông cụ sản xuất và tư liệu sản xuất nông nghiệp.
Học sinh và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng thuộc diện được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội; mặt khác, còn được cấp hơn 1.500 suất học bổng, cấp bù học phí, hỗ trợ dụng cụ học tập…
Trong lĩnh vực y tế, huyện Đức Trọng cấp phát hơn 84 ngàn thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các hộ nghèo và cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người dân đang sống ở vùng đặc biệt khó khăn… Địa phương cũng hỗ trợ 70% kinh phí mua hơn 21 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ gia đình làm nông – lâm nghiệp có mức sống trung bình.
Huyện còn hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho 66 người nghèo mắc bệnh nan y với số tiền 590 triệu đồng.
Ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ trên, còn có các chính sách lồng ghép khác như phối hợp với ban ngành chức năng của huyện và các nhà tài trợ chi hỗ trợ quà dịp lễ Tết cho hộ nghèo, cận nghèo và trợ cấp xã hội với số tiền 14,2 tỷ; trợ cấp hàng tháng cho 5.000 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, tiền điện…
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đức Trọng chỉ còn 3,3 % với 1.645 hộ (tính đến cuối năm 2022).