Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nhận xét, đánh giá chất lượng của các phiên chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc nhận xét, đánh giá đối với hoạt động chất vấn cơ bản đã được Chủ tịch Quốc hội nêu rõ ở từng phiên; đồng thời, dự thảo được xây dựng theo các quy định về nội dung của nghị quyết chất vấn tại khoản 5 Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; do đó, xin được giữ nguyên như Dự thảo.
Có ý kiến đề nghị bổ sung đoạn “kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuế, kê khai thuế và hoàn thuế”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này đã được thể hiện trong Dự thảo; trong đó, đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Tài chính có các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ, xử lý trốn thuế, giảm nợ đọng thuế. Do đó, xin không bổ sung trong Dự thảo.
Có ý kiến đề nghị bổ sung đoạn “cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan định kỳ phải được luân chuyển địa bàn phụ trách và công tác”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên thực hiện theo chủ trương của Đảng; mặt khác, quy định về công tác cán bộ trong ngành thuế, hải quan cũng đã được thể hiện trong nội dung nghị quyết phần về lĩnh vực tài chính như sau “nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch; có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua từng năm”.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, có ý kiến đề nghị thay thế đoạn “tăng cường huy động nguồn tiền, vàng, ngoại tệ trong nhân dân” bằng đoạn “có chính sách, giải pháp hợp lý để huy động được lượng vàng, ngoại tệ còn dư rất lớn trong Nhân dân”; đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị, nội dung này Ngân hàng Nhà nước đã có đề án trình Chính phủ để triển khai thực hiện, không cần quy định trong Dự thảo để tránh tạo tâm lý tích lũy ngoại tệ và vàng của người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là là một định hướng đúng nhằm huy động nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị thể hiện nội dung “hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành”; “triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để xử lý căn bản nợ xấu” vào Dự thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy, việc yêu cầu thực hiện các nghị quyết do Quốc hội ban hành là trách nhiệm của các cơ quan được điều chỉnh tại các nghị quyết đó nên không cần nhắc lại tại nghị quyết về chất vấn; do vậy, đề nghị thể hiện nội dung này đối với lĩnh vực ngân hàng trong Dự thảo như sau: “Khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng”.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, có ý kiến đề nghị bổ sung đoạn “Tăng cường công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên; công tác cấp thẻ phóng viên, cộng tác viên, nhà báo. Xử lý nghiêm phóng viên, công tác viên viết bài sai sự thật, một chiều, áp đặt…ảnh hưởng hoạt động tổ chức, cá nhân”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung này là một trong các giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, đã được thể hiện trong Dự thảo “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”; do đó, xin không bổ sung vào Dự thảo.
Trong lĩnh vực tư pháp thuộc trách nhiệm của tòa án, có ý kiến đề nghị điều chỉnh lại cách trình bày nội dung về chất lượng công tác xét xử; thể hiện rõ hơn yêu cầu đối với các lĩnh vực án về hình sự, dân sự, hành chính; đồng thời bổ sung thêm trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan tư pháp có liên quan.