Hợp tác với Mỹ để đưa Việt Nam trở thành trung tâm vắc xin

TPO - Việt Nam và Mỹ giúp đỡ lẫn nhau trong giai đoạn đối phó với đại dịch COVID-19 tạo nền tảng rất tốt để hai bên thúc đẩy hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực này, quan trọng nhất là Việt Nam có thể tự chủ về vắc xin. Hướng ưu tiên sắp tới là phải hợp tác với Mỹ để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc. (Ảnh: baoquocte)

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội.

Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đều thúc đẩy hợp tác vắc xin, chuyển giao công nghệ. Ông đánh giá ra sao về triển vọng, tiềm năng trong lĩnh vực hợp tác này?

Tôi nghĩ hướng ưu tiên sắp tới là phải hợp tác với Mỹ để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở TPHCM, Bộ trưởng Y tế gọi điện sang cho tôi để đề nghị đàm phán mua máy thở. Đó là những cái Việt Nam rất cần vào thời điểm đó.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Mỹ khai trương CDC khu vực tại Hà Nội. Đây là bước ngoặt rất quan trọng. CDC đã hợp tác với Việt Nam từ những năm 1954-1955. Thời gian qua, hai nước tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau. Từ tháng 4/2020, ta đã có sự trợ giúp Mỹ về thiết bị vật phẩm y tế, sau đó Mỹ giúp Việt Nam vắc xin. Đây là nền tảng rất tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác trong tương lai, quan trọng nhất là tự chủ về vắc xin.

Việt Nam có chịu ràng buộc gì khi thực hiện ngoại giao vắc xin?

Ngoại giao vắc xin không phải chỉ có đi xin vắc xin mà còn có mua vắc xin hay chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Tại địa bàn Mỹ, trong ngoại giao vắc xin chúng tôi không gặp bất cứ ràng buộc nào. Số lượng vắc xin Mỹ viện trợ cho Việt Nam nhiều như vậy, tới nay là 24,5 triệu liều (chiếm 1/3 tổng viện trợ tại Đông Nam Á) trước hết phản ánh trạng thái quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; sự vận động rất quyết liệt của Việt Nam và việc Việt Nam sử dụng hiệu quả vắc xin. Khi trao đổi với các đối tác Mỹ, tôi luôn nhấn mạnh rằng, dù một liều chúng ta cũng sử dụng, không để phí phạm.

Khi nước Mỹ khó khăn, ta dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng chia sẻ, và điều này tạo ra ấn tượng rất tốt. Khi tôi đề cập câu chuyện vắc xin với đối tác Mỹ, họ đều nhắc lại câu nói “người bạn thực sự là người giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn”. Và bây giờ mỗi lần họ tặng chúng ta vắc xin vẫn nhắc lại câu nói này. Những gì đạt được đòi hỏi nhiều yếu tố, khía cạnh nhưng có thể nói phải là tổng lực của rất nhiều nỗ lực.

Về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Chúng tôi đã tiếp cận và kết nối với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện việc chuyển giao sản xuất vắc xin theo công nghệ mNRA.

Chính quyền Mỹ đã trợ giúp cho Việt Nam số tiền khá lớn (khoảng 40 triệu USD) trong cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo kỹ năng cho lực lượng y tế trong phòng chống dịch. CDC của Mỹ có nghiên cứu bài bản và chiến lược. Chính tôi dưới thời ông Donald Trump đã gặp Giám đốc CDC yêu cầu trợ giúp. Họ đã nói “Đại sứ đừng giục nữa. Tất cả trang thiết bị đang trên đường tới Hà Nội và TPHCM rồi”. Nói vậy để thấy ngoại giao vắc xin có phạm vi rất rộng, không chỉ là đi xin vắc xin.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vận động cấp cao là rất quan trọng trong giai đoạn cả thế giới đều “giành giật” vắc xin. Pfizer lúc đầu còn nói nước đôi là cố gắng từ nay tới cuối năm chuyển giao theo cam kết. Nhưng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính, rồi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến gặp, họ nói từ nay đến cuối năm sẽ bàn giao hết.