Nhằm nỗ lực quản lý mại dâm, Singapore chỉ cho phép các nhà chứa có giấy phép hoạt động tại các khu vực được chỉ định.
Quản lý theo khu vực
Tại Singapore, việc sở hữu nhà chứa bên ngoài khu vực chỉ định, bảo kê gái mại dâm, quảng cáo mại dâm trên mạng hay chủ động tuyển phụ nữ mại dâm đều là bất hợp pháp, theo tờ South China Morning Post. Quá trình cấp giấy phép cho các nhà chứa được quản lý bởi cảnh sát, tuy nhiên theo tờ báo này thì quá trình này được giữ kín và con số các cơ sở được cấp phép không được công khai.
Những phụ nữ muốn làm việc tại các nhà chứa nói trên cũng phải được cảnh sát cấp một “thẻ hành nghề” màu vàng. Các nội dung trên thẻ bao gồm tên, tuổi và kết quả các đợt kiểm tra y tế định kỳ bắt buộc cho thấy chủ thẻ không mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, tình trạng phụ nữ hành nghề mại dâm đứng trên đường, bên ngoài các nhà chứa trong các khu vực chỉ định vẫn tồn tại dai dẳng.
Việc hợp pháp hóa các nhà chứa cũng gây tranh cãi lớn tại Singapore vì nó đi ngược lại Hiến chương Phụ nữ, được Singapore thông qua và có hiệu lực từ năm 1961. Đạo luật này cấm một người có thu nhập “một phần hoặc toàn bộ nhờ vào hoạt động mại dâm của người khác” với mức phạt tù lên đến năm năm và phạt tiền tối đa 10.000 đôla Singapore.
Một vùng lãnh thổ khác tại Đông Á không cấm mại dâm là Hong Kong, tờ South China Morning Post cho biết. Tuy nhiên, vùng lãnh thổ này hoạt động cấm việc gạ gẫm mại dâm, quản lý nhà chứa có từ hai người trở lên, ép buộc hoặc giúp đỡ một người khác tham gia mại dâm hoặc kiếm thu nhập bằng hoạt động mại dâm của người khác. Hong Kong không có các nhà chứa có giấy phép hoặc phố đèn đỏ theo chỉ định như Singapore, thay vào đó gái mại dâm ở Hong Kong lách luật bằng cách biến các phòng trọ của mình thành những “nhà chứa một người”.
Hôm 30/1, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ gần 100 nghi phạm trong một đường dây mại dâm bất hợp pháp ở khu Mong Kok được quản lý bởi Hội Tam Hoàng. Theo đó, băng nhóm tội phạm chia tòa nhà 14 tầng cho các nghi phạm phù phép thành các “nhà chứa một người”. Sau đó, cứ mỗi 600 đôla Hong Kong nhận từ khách thì những người bán dâm sẽ trả cho Hội Tam Hoàng 200 đôla Hong Kong chi phí phòng, môi giới mại dâm và các đồ dùng cá nhân.
Wan Chai là quận đèn đỏ “không chính thức” tại Hong Kong với các quán bar và sàn nhảy nổi tiếng với khách nước ngoài. Còn khu Mong Kok thì phổ biến với người địa phương về các nhà chứa bất hợp pháp và gái đứng đường.
Năm 2016, một nghị sĩ Hong Kong là Kenneth Leung Kai-cheong từng kêu gọi thành phố thiết lập phố đèn đỏ để tập trung và kiểm soát mại dâm. Lãnh đạo bộ phận an ninh Hong Kong khi đó là John Lee Ka-chiu không chấp nhận ý tưởng, khẳng định tình hình mại dâm tại đây vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Ông cho rằng thiết lập phố đèn đỏ sẽ bắt lực lượng an ninh Hong Kong thay đổi quá nhiều.
Thái Lan đang dần “ngán” mại dâm
Các phố đèn đỏ đã trở thành một hình ảnh đặc trưng tại Thái Lan cả đối với người Thái và khách du lịch quốc tế. Theo tổ chức World Outreach International, trong những năm qua trung bình mỗi năm có đến gần 4,2 triệu du khách nam đến đất Thái vì sex. Trong khi đó, tổ chức chuyên điều tra thị trường chợ đen toàn cầu Havoscope cho biết ngành công nghiệp sex của Thái Lan có ít nhất là 250.000 người tham gia bán dâm. Một nghiên cứu khác của ĐH Chulalongkorn cho biết các phố đèn đỏ tạo công ăn việc làm cho hơn 2,8 triệu người tại Thái Lan, trong đó có hơn 2 triệu phụ nữ, hơn 20.000 nam giới và hơn 800.000 người chưa đủ 18 tuổi. Thống kê này bao gồm mọi loại công việc có liên quan đến các phố đèn đỏ, từ người bán dâm, bảo kê đến người lao công trong các nhà chứa.
Luật pháp Thái Lan cấm mại dâm từ năm 1960, người bán dâm bị phạt tiền còn chủ chứa có thể bị kết án 3-15 năm tù. Trên thực tế, Thái Lan đã làm ngơ cho hoạt động mại dâm bằng việc thả lỏng cho dịch vụ nhạy cảm này hoạt động chỉ ở một số khu vực nhất định là các phố đèn đỏ ở các “thủ phủ” du lịch như Bangkok hay Pattaya. Các cơ sở này tồn tại dưới dạng chăm sóc sức khỏe - massage, biểu diễn nghệ thuật, quán bar thoát y, karaoke, vũ trường... Nguồn lợi tạo ra từ “ngành công nghiệp” này cũng kéo theo vấn đề tham nhũng gia tăng liên quan đến bảo kê các cơ sở mại dâm. Ngoài ra, đạo luật ngăn chặn và giảm mại dâm (năm 1996) của Thái Lan cũng có nhiều khái niệm mơ hồ về định nghĩa hành vi mại dâm, điều này tạo ra khoản hở để các hoạt động mại dâm tiếp tục tồn tại trá hình.
Bộ Tư pháp Thái Lan cũng từng tìm cách hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2003, cân nhắc chính thức xem mại dâm là một nghề với các phúc lợi xã hội, bảo hiểm sức khỏe và phải đóng thuế thu nhập. Các ý kiến ủng hộ tại Thái Lan khi đó cho rằng việc hợp pháp hóa và xây dựng luật quản lý mại dâm có thể tăng nguồn thu ngân sách, giảm được tham nhũng và cải thiện cuộc sống của những người tham gia mại dâm. Tuy nhiên, các tranh luận này sau đó cũng lặng dần vì những tranh cãi về đạo đức.
Đến khi tướng Prayut Chan-o-cha lên nắm quyền vào năm 2014, với quyết tâm khôi phục các giá trị đạo đức cho xã hội Thái Lan, vấn đề hợp pháp hóa mại dâm tại nước này ít xuất hiện hẳn trong các chương trình nghị sự. Bà Kobkarn Wattanavrangkul, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan, hồi giữa tháng 7-2016 tuyên bố: “Chúng tôi muốn xây dựng một ngành du lịch chất lượng tại Thái Lan. Chúng tôi muốn xóa sổ ngành công nghiệp tình dục”. Bà cũng thề sẽ đóng cửa tất cả nhà chứa và quán bar gái gọi trên toàn Thái Lan với các chiến dịch mạnh tay đầu tiên nhắm đến trung tâm du lịch Pattaya.
Không cấm bán dâm mà cấm mua dâm
Có thể thấy việc hợp pháp hóa mại dâm ở một số nước được chia thành hai hình thức: Thứ nhất là không cấm mại dâm nói chung; thứ hai là cấm các hình thức mại dâm có tổ chức hay là trục lợi trên lao động mại dâm, chẳng hạn như môi giới, bảo kê hoặc nhà chứa. Ở các nước muốn tìm cách quản lý dạng hình kinh doanh xác thịt này, việc hợp pháp hóa mại dâm lại tạo ra đủ vấn đề phát sinh.
Pháp từng xem hoạt động mại dâm là hợp pháp, cho đến tháng 4-2016 thì một đạo luật quản lý “lạ lùng” chính thức có hiệu lực. Đạo luật này xem việc bán dâm là hợp pháp. Thế nhưng việc mua dâm lại là bất hợp pháp, có thể bị phạt từ 1.500 đến 3.750 euro, đồng thời việc sở hữu nhà chứa cũng bị xem là vi phạm pháp luật. Mô hình này bắt đầu từ Thụy Điển vào năm 1999 và sau đó là Na Uy. Cách thức đánh vào người mua thay vì người bán được đánh giá là sẽ công bằng hơn trong xử phạt những vi phạm liên quan đến mại dâm, đặc biệt là các hình thức buôn người hoặc ép buộc bán dâm. Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy những người bán dâm tại Pháp lo lắng đạo luật mới đặt họ vào chỗ tương lai bất định. Nhiều ý kiến cho rằng thà cấm hoàn toàn mại dâm hoặc không cấm chứ không thể quản lý “một nửa” như vậy được, theo hãng tin AFP.
Theo trang City Lab, nhiều nước châu Âu cũng đang tìm cách giảm quy mô “ngành công nghiệp” tình dục, trong đó có nước Đức. Nước này tự do hóa hoạt động mại dâm từ năm 2002, người bán dâm và cơ sở kinh doanh mại dâm thậm chí ký kết hợp đồng, có quy định làm việc không quá 40 tiếng một tuần và có thể thành lập công đoàn. Tuy nhiên, hoạt động mại dâm được thả lỏng cũng biến nước Đức thành một trong những điểm đến hàng đầu của các đường dây buôn người.