> Phòng chống tài xế ngủ gật: Luật đủ nhưng giám sát chưa chặt
> Phòng chống tài xế ngủ gật: Nói cho vui?
Hiện tượng bất thường trên vừa được đoàn kiểm tra của Bộ GTVT (do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn) phát hiện tại Hòa Bình. Cụ thể, qua kiểm tra hệ thống máy chủ của doanh nghiệp vận tải Hiển Vinh (chuyên tuyến Hà Nội - Hòa Bình) phát hiện xe khách 28B 00041 hiển thị thông tin xe di chuyển với vận tốc 341 km/h vào hồi 9 giờ 11 ngày 14/10 tại Lạc Sơn, Hòa Bình.
Cũng xe này, thông tin báo về máy tính cho thấy ngày 19/10 đạt đến tốc độ 436 km/h (cao hơn tốc độ xe đua công thức 1 – với vận tốc tối đa được ghi nhận là 360 km/h - PV). Nhiều xe khác của doanh nghiệp này hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội, thành phố Hòa Bình cũng được hiển thị với tốc độ 170 – 180 km/h.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Duy Bình, Giám đốc Cty Hiển Vinh cho biết: “Không có xe khách nào có thể chạy với tốc độ kinh khủng như vậy. Nguyên nhân do hộp đen bị lỗi. Sau khi thay hộp đen của hãng Viet map, hiện tượng trên đã mất hẳn”. Ông Bình cũng cho biết, vì hộp đen bị lỗi, doanh nghiệp ông khổ sở, suýt bị đoàn kiểm tra đình chỉ kinh doanh.
Doanh nghiệp sản xuất các hộp đen báo thông tin “khủng” trên được xác định là Công ty phát triển công nghệ điện tử MID Việt Nam. Trước đó, vào tháng 9, tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) đoàn thanh tra của Bộ kiểm tra xe của doanh nghiệp vận tải Đức Lượng (tuyến Hà Nội - Nam Định) cũng sử dụng hộp đen của MID và có được bản in thông tin kỳ dị.
Chỉ trong một giây, tốc độ xe nhảy cóc từ 70 lên 244km/h và hạ đột ngột xuống còn 77km/h. Điều lạ lùng, chiếc xe này đang vận hành ở Hà Nội, nhưng tọa độ định vị vị trí mở cửa lại ở tận… Vân Nam (Trung Quốc). Đôi lần tọa độ nằm trên các đỉnh núi, biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Không chỉ riêng MID, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất hộp đen khác bị phát hiện sai phạm về chất lượng như: Cty CP HC có 2 phương tiện tại Bến xe Giáp Bát không có dữ liệu trong 30 ngày.
Liên doanh sản xuất lắp ráp thiết bị giám sát hành trình Công ty CP GPS Track Việt Nam và Công ty CP Phát triển công nghệ Hà An có một số phần cứng không đúng với quy chuẩn đăng ký với Bộ GTVT, trích xuất thiếu dữ liệu, không có dịch vụ duy trì chăm sóc sản phẩm sau bán hàng… Cá biệt, Vụ Khoa học Công Nghệ (Bộ GTVT) cũng vừa phát hiện hai Cty BYNS và Việt Hồng có địa chỉ ma.
Giơ cao đánh khẽ?
Liên quan đến sự việc báo lỗi thông tin nghiêm trọng của Cty MID tại Bến xe Giáp Bát, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ (người chuyên trách kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất hộp đen) vào tháng 10 vừa qua cho biết sẽ làm rõ và tuyên bố chỉ cần phát hiện MID có thêm một trường hợp vi phạm nữa sẽ bị rút giấy phép.
Trước động thái quyết liệt này, ông Phạm Toàn, đại diện công ty MID thừa nhận, nguyên nhân các hộp đen bị lỗi là do bị xung điện. MID cũng đã có báo cáo với Thanh tra Bộ GTVT và cá nhân ông Sỹ từ lâu.
Tìm hiểu từ phía Thanh tra Bộ GTVT về việc có nhiều trường hợp hộp đen báo sai thông tin hay không, ông Thạch Như Sỹ nhiều lần thoái thác: “Các đoàn kiểm tra khác gặp, còn chúng tôi không gặp (trường hợp hộp đen báo sai thông tin - PV )”.
Nhiều lần hẹn gặp hỏi về trường hợp của công ty MID, vị Phó Chánh thanh tra luôn từ chối: “Tôi đang đi công tác, trao đổi chuyên môn qua điện thoại không tiện”. Vì thế, biện pháp xử lý các doanh nghiệp hộp đen trích xuất dữ liệu kiểu “ông chẳng bà chuộc” vẫn còn bỏ ngỏ sau những tuyên bố hùng hồn.
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, đã nắm được thông tin doanh nghiệp hộp đen có biểu hiện điều chỉnh thông tin trích xuất ra từ thiết bị. Thông thường, doanh nghiệp điều chỉnh cho tốc độ hiển thị trên máy tính thấp hơn so với tốc độ vận hành thực của phương tiện để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Ông Hiệp cho biết, Ủy ban và các cơ quan liên quan đã lường và chuẩn bị các giải pháp về công nghệ và quản lý để kiểm soát tình trạng này. Bởi nếu không kiểm soát được việc chỉnh sửa dữ liệu, chính sách dùng hộp đen để quản lý vận tải vốn tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời gian sẽ khó đi vào thực chất.