"Cả đời đi dạy chưa bao giờ tôi chứng kiến buổi lễ khai giảng buồn như năm nay. Khi có dấu hiệu phụ huynh không cho con em đến trường, các thầy cô phân nhau đến tận nhà động viên. Các phụ huynh đều cho biết sẽ cho các em đến trường. Nào ngờ…”, thầy giáo Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng trường THCS Hà Hải nói khi dẫn chúng tôi đến từng lớp học thưa thớt sáng thứ Ba, ngày 6/9.
Cô giáo bật khóc vì lớp có ba học sinh
Gần 8 giờ, trống điểm giờ ra chơi, đâu đó có vài tiếng í ới của học sinh gọi nhau, các giáo viên lặng lẽ xách cặp xuống văn phòng. Thấy người lạ đứng ở cửa lớp 6D, ba học sinh ngồi chung bàn hướng ánh mắt về nhau như dè dặt điều gì đó. “Lớp có sỹ số 34, nhưng chỉ có 3 đứa bọn cháu đi học. Thế này buồn lắm”, một học sinh nói. Khi được hỏi tên và lý do các bạn nghỉ học, ba học sinh tỏ ra rụt rè, nhìn nhau rồi lảng tránh. “Các cháu không biết đâu, các cháu không trả lời đâu”, một học sinh nữ nói rồi bỏ ra ngoài. Lớp bên cạnh 7D cũng chỉ có 9 học sinh ngồi hai dãy bàn.
“Mấy hôm trước xuống nhà vận động, nhiều phụ huynh hứa sẽ cho các em đến trường. Nào ngờ sáng nay chỉ có vài học sinh mỗi lớp. Thương các em không đến trường trong ngày đầu tiên đi học. Những em đi học cũng ngơ ngác không có tâm trí tập trung nghe giảng”, cô giáo Nguyễn Tuyết Mai bật khóc khi nhắc đến học sinh.
Theo cô giáo Mai, với tình trạng mỗi lớp vài học sinh thế này sẽ ảnh hưởng chất lượng giảng dạy cũng như tiếp thu bài vở của học sinh. “Nhiều giáo viên đang đề xuất nếu tình trạng học sinh tiếp tục không đến trường sẽ gộp các lớp vào với nhau. Nhiều lúc đang giảng bài thấy các em cứ ngó nghiêng xung quanh. Việc các bạn nghỉ học ảnh hưởng rất lớn tâm lý của những học sinh này”, cô giáo Nguyễn Thủy Nhàn nói.
Hai cô giáo Nguyễn Tuyết Mai và Nguyễn Thủy Nhàn bật khóc khi lớp chỉ có vài học sinh trong ngày đầu năm học. Ảnh: Minh Thùy.
Cầm trên tay một tập tài liệu dày cộm, thầy giáo Nguyễn Minh Đạo cho biết, đây là danh sách giáo viên ghi ý kiến từng gia đình khi đến nhà vận động. Tất cả đều có câu trả lời giống nhau. Một là ghi “cho đi học” để giáo viên không hỏi thêm hoặc ghi “không có tiền”.
“Tại cuộc họp phụ huynh ngày 27/8, nhà trường thông báo là miễn giảm tất cả các khoản, không thu một khoản nào. Phụ huynh đồng tình với quan điểm của nhà trường. Tuy nhiên, sau đó thấy học sinh tập trung thưa thớt quá nhà trường tiếp tục vận động. Nhiều phụ huynh cho rằng đã miễn giảm rồi thì lại yêu cầu theo khoản khác như không có tiền ăn, không có tiền mua quần áo”, thầy giáo Nguyễn Minh Đạo cho biết.
Sợ làng đánh?
Theo danh sách ghi vắng học tại các trường tiểu học, THCS và mầm non Kỳ Hà thì chủ yếu là con em trên địa bàn thôn Bắc Hà. Dọc con đường dẫn vào thôn Bắc Hà, rất đông học sinh nghỉ học quây quần lại chơi cùng nhau. Đa phần các em im lặng hoặc lẩn tránh khi được người lạ hỏi tại sao không đến trường.
Chị Mai Thị Tin, thôn Bắc Hà, chủ cửa hàng tạp hóa, chồng làm nghề đánh cá, cho biết, gia đình có 4 đứa con (1 chưa đến tuổi đi học) thì 3 đứa học các lớp 3, 6, 9 không đi học. “Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên cuộc sống khó khăn, nhiều người dân ở đây yêu cầu phải miễn toàn bộ các khoản đóng nộp cho học sinh. Tuy nhiên, do chưa được chấp nhận nên họ không cho con đến trường”, chị Tin nói.
Lớp 6D chỉ có 3 học sinh đi học trên tổng số 34 học sinh.
Khi chúng tôi chất vấn với hoàn cảnh cụ thể gia đình chị thế này mà đưa ra lý do khó khăn để không cho các cháu đi học thì chị Tin cười e ngại. “Cũng không đến mức như thế. Thực lòng cũng muốn cho con đi học nhưng cả làng nói phải đoàn kết. Giờ mà cho con đi học sẽ bị đánh, làng sống thì mình sống, làng chết thì mình chết”, chị Mai Thị Tin nói. Khi nghe mẹ trả lời, hai người con chị Tin ngồi bên cạnh cười nhẹ rồi bỏ ra ngoài khi thấy ống kính chụp ảnh hướng đến.
Cũng giống như các câu trả lời với giáo viên, những phụ huynh nơi đây đều cho rằng, không cho con đi học vì không có tiền hoặc sợ làng đánh. Khi được hỏi làng ở đây cụ thể ai chỉ đạo hoặc ai đánh, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời chung chung là “làng đánh”.
Theo tìm hiểu của PV, khi tiếp xúc với những phụ huynh không cho con em đến trường, có một chi tiết rất lạ là chỉ những học sinh ba cấp từ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở học trên địa bàn xã sẽ không được đi học. Còn những học sinh học cấp THPT ở thị xã hoặc các địa bàn khác thì vẫn đi học bình thường. Đưa những điều “lạ” này trao đổi với những phụ huynh nơi đây chỉ nhận được sự im lặng.
Lớp 6D chỉ có 3 học sinh. Minh Thùy.
Đề nghị công an vào cuộc
Theo nhận định của UBND TX Kỳ Anh, nguyên nhân việc phụ huynh ngăn cản không cho con em đến trường tại xã Kỳ Hà là do một bộ phận cực đoan tôn giáo kích động, xúi giục một bộ phận giáo dân và gây sức ép đối với bộ phận còn lại để ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường để tạo sức ép lên chính quyền trong việc đề xuất các yêu sách, lợi dụng tự do tín ngưỡng, khó khăn của nhân dân do sự cố môi trường để kích động biểu tình, làm rối tình hình cơ sở, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND TX Kỳ Anh cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu xúi giục,
kích động.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 7/9, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, ông Lê Văn Luyện cho biết, tình hình học sinh đến trường ngày một tăng lên. “Mong người dân sớm đưa con em đến trường để các cháu được học hành. Lãnh đạo xã cũng xuống tận nhà động viên cả phụ huynh và các em học sinh”, ông Luyện nói.
Hiệu trưởng trường THCS Hà Hải cho biết, ngày 7/9, nhà trường phát động đợt quyên góp trong toàn thể cán bộ, giáo viên được 7,8 triệu đồng tặng học sinh nghèo xã Kỳ Hà. Còn điểm trường Kỳ Hải sẽ tiếp tục lập danh sách học sinh nghèo, tiếp tục quyên góp, giúp đỡ.
Tình hình học sinh đến trường ngày 7/9: Mầm non 104/350, tiểu học 157/694 và trung học cơ sở 101/520.
Xã Kỳ Lợi (cách Kỳ Hà khoảng 10km) hai năm trước do không chấp nhận địa điểm học mới tại khu tái định cư nên hơn 100 học sinh cũng bị phụ huynh ngăn cản đến trường. Sau hai năm nghỉ học, tháng 7/2016, hơn 100 học sinh mới được trở lại trường. “Một thời gian quá dài ở nhà nên cách nói năng, giao tiếp của các em với người khác có hạn chế. Sau một thời gian ngắn trở lại trường, các em cơ bản nắm vững kiến thức và chăm chỉ học tập”, cô giáo Hà Thị Lan nói.
Thầy giáo Hoàng Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng trường THCS Kỳ Lợi, cho biết, theo quy định mỗi tuần chỉ dạy 23 tiết. Tuy nhiên, để các em theo kịp chương trình nhà trường phải tăng thêm 5 tiết. “Hằng ngày phụ huynh cử người đến trực tiếp động viên, theo dõi việc học của con em. Đấy, cái thiệt là con em phải chịu chứ ai vào đây nữa”, thầy giáo Hoàng Mạnh Hùng nói.