Hơn 70ha rừng bị ‘cạo trọc’, lấn chiếm: Chủ rừng bất lực?
TPO - Phát hiện người dân lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy, chủ rừng ra sức vận động, tuyên truyền nhưng bị bỏ ngoài tai, thậm chí có thái độ thách thức.
Ngày 17/4, một đại diện UBND huyện Lắk (Đắk Lắk) cho biết, đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn. Trước đó, ngày 6/4, đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm phối hợp Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, UBND xã Đắk Phơi và Cty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - chi nhánh Đắk Lắk (Cty Tân Mai) kiểm tra tình trạng phá rừng trên địa bàn xã Đắk Phơi, huyện Lắk.
Qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra đã xác định diện tích rừng bị phá là 74,6ha (trong đó 63,7ha tại các tiểu khu 1391, 1392 và 1400) thuộc lâm phần do Cty Tân Mai quản lý, còn lại là UBND xã Đắk Phơi; trạng thái rừng gỗ tự nhiên nghèo, thuộc quy hoạch rừng sản xuất.
Thời điểm kiểm tra, Cty Tân Mai cung cấp 44 biên bản kiểm tra tình trạng lấn chiếm đất từ ngày 13/2 đến 27/3, với diện tích đã kiểm tra là 62,9ha tại tiểu khu 1392, 1400. Theo Cty Tân Mai, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, nhiều người dân xã Đắk Phơi tổ chức nhóm từ 10-25 người vào lâm phần của công ty chặt phá, phát cây, lấy đất làm rẫy. Mặc dù, bảo vệ của công ty thuyết phục, tuyên truyền, vận động nhưng người dân không hợp tác, bỏ ngoài tai và có thái độ thách thức.
Cty Tân Mai đã lập các hồ sơ báo cáo, có danh sách một số đối tượng chặt phá, lấn chiếm đất gửi UBND xã, công an xã và các cơ quan chức năng; đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp song tình trạng người dân chiếm đất làm nương rẫy diễn ra rất phức tạp và diện tích ngày càng nhiều. Cty Tân Mai mong muốn chính quyền và các cơ quan ban, ngành cùng vào cuộc quyết liệt, giải quyết nạn lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Bà H’Binh Liêng – Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, địa phương có hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng song do nhận thức còn hạn chế cùng tập quán phát rừng làm nương rẫy nên còn nạn phá rừng. Ngoài ra, khi dịch COVID-19, người lao động trở về quê không có đất canh tác, không việc làm, đói nghèo cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng. Trước đó, đầu tháng 4/2022, cơ quan chức năng cũng phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Diện tích rừng bị xâm hại gần 400ha, do UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án về tội “Hủy hoại rừng”.