Không chỉ hồi sinh sông Tô Lịch
Theo lịch hẹn, chúng tôi có mặt ở Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá (viết tắt là Dự án) gặp Trưởng ban Trương Quốc Bảo. Tôi bắt đầu câu chuyện: Người dân ở Hà Nội đang rất quan tâm đến dự án làm sạch sông Tô Lịch, xin anh giới thiệu về dự án này? Anh Bảo hồ hởi: “Hệ thống gom nước thải làm sạch sông Tô Lịch chỉ là một nhánh thuộc Dự án xử lý nước thải Yên Xá mà thôi. Lâu nay, những người thực sự quan tâm cũng có thể cũng biết Dự án sẽ góp phần làm sạch sông Tô Lịch, sông Lừ chứ chưa nắm hết quy mô, phương thức thực hiện Dự án ra sao”.
Anh Bảo giới thiệu, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được thực hiện nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, tả ngạn sông Nhuệ. Phương pháp thực hiện là phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý một lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Theo đó, Dự án gồm nhà máy xử lý nước thải công suất: 270.000m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52km. Tại nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ sử dụng Công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống - loại AO (sử dụng các vi sinh vật thiếu khí giúp đạt được quá trình khử nitơ sinh học ở trong bùn hoạt tính). Đây là công nghệ phổ biến và phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, thuận lợi trong quá trình vận hành, bảo dưỡng nhà máy sau khi hoàn thành.
“Còn hệ thống cống thu gom được thi công phần lớn bằng phương pháp khoan kích ngầm (Pipe Jacking). Đây là công nghệ mới, độ sâu chôn cống từ 6m đến 19m. Thi công phương pháp này để hạn chế ảnh hưởng đến bề mặt của hạ tầng đô thị phía trên như giao thông, đường sá, cầu cống đồng thời tránh xáo trộn đời sống của dân cư trong khu vực”, anh Bảo nói, rồi tiếp tục dẫn giải, quá trình xây dựng đường cống ngầm cũng có điều đặc biệt là thi công qua mạch nước ngầm. Nếu như thi công theo phương pháp trước đây, khi gặp mạch nước ngầm sẽ phải chặn dòng lại. Tuy nhiên, thi công theo phương pháp này khi gặp nước ngầm sẽ thi công xuyên chéo qua.
Anh Bảo chỉ cho chúng tôi về việc thiết kế xây dựng đường ống. Theo sơ đồ thiết kế, ống sẽ được đặt từ cao (-2 đến -5m so với mặt đất) đến thấp (-16 đến -17m ) và sâu nhất là khi về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Và đường ống cũng được thiết kế có đường kính từ nhỏ đến lớn, nơi ống được đặt cao nhất sẽ có đường kính nhỏ. Như thế, nước thải sẽ tự động chảy về nhà máy. “Dĩ nhiên, quá trình thi công dưới lòng đất cũng có nhiều bất ngờ, khó khăn. Ví dụ, trên tầm đất nông từ khoảng -2m dễ bị gặp những sự cố, chướng ngại vật hoặc giao thoa với các công trình ngầm…, còn sâu hơn 10m thì hầu như không có vấn đề gì”, anh Bảo cho hay.
Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá được chia ra thành 4 gói thầu chính bắt đầu khởi công từ năm 2019. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại thôn Tràng, thôn Thượng và thôn Nội, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội với diện tích khoảng 13,8ha. Đặc biệt, các tuyến cống bao, hệ thống cống thu gom, hệ thống cống đấu nối dọc các đường giao thông hiện trạng và đường giao thông thuộc địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì…
Công nghệ khoan kích ngầm
Dưới cái nắng như đổ lửa đầu tháng 6, chúng tôi đến công trường là miệng giếng khoan trên đường Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông. Công trường ở đây mới thi công lại từ đầu tháng 4 vừa qua. Nơi này thuộc Gói thầu số 4 Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới. Hệ thống cống tại gói thầu này dài khoảng 11km với 71 giếng tạm, giếng kích, giếng nhận và giếng trung gian và 2km kênh xả.
“Để khép kín vòng tròn thu gom nước thải còn có 2 gói thầu đào cống ngầm khác. Đó là gói thầu Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, có chiều dài khoảng 7,6km, 34 giếng đào. Dài nhất là gói thầu Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính với 21,6km đường cống có đường kính D600 đến D2200 (tức là cống có đường kính 600 mm và 2.200 mm) với 106 giếng kích, giếng nhận và giếng trung gian”, anh Bảo cho biết.
Anh Nguyễn Trung Kiên, PGĐ Ban Điều hành Liên danh nhà thầu Khánh An - Sông Đà 9 đồng hành với chúng tôi trên công trường. Những luồng gió hầm hập nóng trên mặt đường nhựa, từ những công-ten-nơ sắt phả vào mặt. Anh Kiên nói: “Nắng nóng thì chúng tôi không sợ, chỉ sợ mưa xuống phải dừng thi công thì không kịp tiến độ. Hơn nữa, mỗi giếng khoan trên đường chúng tôi đều phải xin giấy phép và có thời hạn thi công”.
Để thi công các đoạn cống ngầm, nhiều đoạn rào chắn hố ga trên được dựng lên trên đường Vành đai 3 dịp giáp Tết năm 2023. Lúc đó, thông tin về dự án chưa được công bố rộng rãi nên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhiều người bức xúc. Ngay khi đó ngành giao thông Hà Nội lên phương án xén dải phân cách giữa đường Vành đai 3, mở thêm làn đường cho các phương tiện di chuyển. Đến tháng 3/2023 thì công trình hoàn thành, vấn đề này cơ bản được giải quyết.
“Lúc đó, người dân chưa nắm được việc khi triển khai đào một cái giếng thì cần ít nhất 5 cái giấy phép từ Sở Xây dựng xin về hệ thống thoát nước, công ty thoát nước, Sở Giao thông vận tải về đảm bảo an toàn giao thông… Quy trình này ở các vị trí tương tự đều phải thực hiện đúng. Còn toàn bộ dự án này chúng tôi nhận được khoảng 300 giấy phép”, anh Bảo cho hay.
Theo anh Kiên, công nghệ khoan kích ngầm sẽ hạn chế ảnh hưởng đến môi trường so với việc đào, mở, tốn rất nhiều công sức. Với giải pháp khoan kích, khoan đến đâu các chất liệu thải sẽ được hút qua các bơm chân không vào các bể chứa trên mặt đất, sau đó được các xe vận chuyển đi, các bãi thải được chỉ định của thành phố.
(Còn nữa)