Hội chứng thi

TP - GS Hoàng Tụy từng phát biểu, có một “hội chứng thi” rất đặc biệt của giáo dục Việt Nam, hàng chục năm qua đã thế và giờ vẫn thế: “Gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy, chủ yếu là học thuộc lòng các loại bài mẫu, đáp án mẫu”.

> Choáng với phí học lại
> Có thể chỉ một số trường tốp trên thi tuyển

Hôm qua, thêm một lần nữa, mệnh đề “học để thi” lại được đề cập, nhưng không phải dưới diện ý kiến của các vị bô lão trong các “hội nghị Diên Hồng” mà nó được đích thân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói ra trong một chương trình nghị sự: phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội về chế độ chính sách dành cho giáo viên mầm non và chất lượng giáo dục phổ thông.

Ông Bộ trưởng nói: Chúng tôi thừa nhận có chuyện học lệch, học để thi. Để dẫn chứng cho phát biểu của mình, ông Bộ trưởng nêu ví dụ về một trường phổ thông của một giáo sư rất nổi tiếng.

“Hiệu trưởng trường đó thường phát biểu nhiều lắm, chỉ vẽ cho chúng tôi nhiều thứ lắm, nhưng riêng hoạt động thực tiễn của trường đó thì học lệch, bỏ hết các môn mà theo các thầy không cần thiết nhưng cuộc sống lại rất cần”. Nói ra điều này hẳn ông Bộ trưởng cũng chỉ muốn thanh minh, có những điều ai cũng biết là không nên nhưng giải pháp nào lại là không thể!

Ông Bộ trưởng cũng có cái lý của mình khi nêu ví dụ này nhưng còn một cái lý của người khác mà ông Bộ trưởng có thể biết nhưng đã tránh đề cập: một học giả uyên thâm không nhất thiết phải là một chàng Đôn Ki hô tê (Don Quixote) cả đời miệt mài chống lại cối xay gió! Cách vận hành nền giáo dục theo một hướng lệch lạc khiến cho bao thế hệ quay cuồng trong thi cử. Không một nhà trường nào, không một gia đình nào, không một cá nhân nào cưỡng lại được nền học vấn khoa cử hiện hành. Cách cưỡng lại duy nhất là bỏ tiền cho con du học ở một nước có nền giáo dục phát triển, hay theo cách nói thời thượng là “tị nạn giáo dục”.

Tất nhiên, ông Bộ trưởng đương nhiệm không phải là người gây nên nạn thi cử này. Thậm chí ông đã nhận diện được sự nguy hại của nó. Chỉ có điều ông không làm cách nào thoát khỏi vũng lầy “hội chứng thi” mà nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của ông để lại.

Thời các bộ trưởng trước, từng có những chủ trương, ý tưởng mà khi mới đưa ra thì rất hứa hẹn bởi tính tiến bộ, hiện đại của nó nhưng rồi phá sản do sập vào bẫy thi cử.

Bao cải tiến cải lùi rốt cục cũng chỉ quanh chuyện thi. Đợt đổi mới căn bản toàn diện giáo dục sắp tới, nếu như Bộ GD&ĐT không nhận diện được căn nguyên của “hội chứng thi” mà chỉ loanh quanh tìm giải pháp ở chương trình – SGK thì cho dù giảm tải đến mấy bớt hàn lâm bao nhiêu đi nữa thì bao thế hệ tiếp nối vẫn sẽ chỉ học để thi.

Theo Báo giấy