Kiệt sức cũng là tình trạng chung của nhiều giáo viên mầm non hiện nay, khi họ ngày càng giảm sự quan tâm và cam kết với nghề nghiệp. Điều này được thể hiện qua con số hơn 16.000 giáo viên bỏ việc năm 2022, trong đó có tới 40% là giáo viên mầm non (theo thống kê của Bộ GD&ĐT).
“Một ngày tôi phải đóng nhiều vai quá, từ một cô giáo đáng yêu trước mặt phụ huynh và học sinh, về nhà phải là một vợ hiền dâu đảm với chồng con, chưa kể với các sếp thì phải ngoan ngoãn, lỡ may không được lòng sếp thì… thôi rồi”.
Chị Nguyễn Thị Hoa
“Giật gấu vá vai” giữ nghề, giữ lửa gia đình
“Không kêu ai được, đi làm tối ngày, lương thấp, chồng còn nói giá như em kiếm được nhiều tiền như người ta… càng nghĩ tôi càng thấy tủi”, chị Nguyễn Thị Hoa (tên nhân vật được thay đổi), 32 tuổi, dạy ở một trường mầm non ở Hải Dương, mở đầu cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong bằng một câu nói kèm tiếng thở dài.
Chị Hoa kể, đầu năm học, trẻ mới chuyển từ lớp nhà trẻ lên lớp mẫu giáo, lạ cô, lạ bạn nên các em khóc nhiều, đêm về nhà ngủ giật mình, khóc đêm. Phụ huynh tưởng cô ở lớp đánh trẻ làm con sợ không dám đi học. Hôm sau đến trường đuổi đánh, chửi bới cô. Tối về chồng con nói bé thì không nghe thấy, nói to lại bảo quát… rồi bắt đầu sinh sự.
“Một ngày tôi phải đóng nhiều vai quá, từ một cô giáo đáng yêu trước mặt phụ huynh và học sinh, về nhà phải là một vợ hiền, dâu đảm với chồng con, chưa kể với các sếp thì phải ngoan ngoãn, lỡ may không được lòng sếp thì… thôi rồi”, chị Hoa nói.
Với chị Hoa, để các em hiểu nhiều thứ, có hứng thú, gần gũi với cô hơn, bản thân phải hóa trang như thế nào hay hài hước ra sao cũng phải thực hiện. Ám ảnh nhất mỗi khi về nhà, kể cả buổi đêm, chị Hoa cũng phải chuẩn bị tâm lý để nghe điện thoại phụ huynh. “Phải nghĩ lại xem hôm nay ở lớp, các con có biểu hiện gì hay hoạt động ra sao rồi mới dám nghe máy trả lời”, chia Hoa chia sẻ.
Ngoài làm giáo viên mầm non, chị Hoa xin đi làm thêm ở trung tâm tiếng Anh vào 3 tiếng buổi tối để có thêm thu nhập. Vì vậy, khi nói về tình trạng kiệt sức, chị có phần thờ ơ, vô tri, nghĩ đó là chuyện thường tình ai cũng gặp phải. Thời gian biểu của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà và làm đồ ăn trưa. Không kịp soi gương, chị vội vàng đến lớp để kịp đón trẻ lúc 6 giờ 30. Kết thúc ngày làm việc, chị vẫn phải về nhà làm tròn vai vợ đảm rồi mới đến trung tâm tăng ca.
Chị khép lại công việc của một ngày vào lúc 21h tối, những căng thẳng của chị được chuyển hóa thành sự nóng nảy, cáu gắt với con cái. Nhiều lúc chị Hoa thấy xấu hổ với con vì đi làm chăm được hàng chục đứa nhỏ, vậy mà về nhà con mình lại bị bỏ bê. “Con thì thèm mẹ, muốn trò chuyện với mẹ, nhưng mẹ thì mệt, nhiều khi quát tháo, bảo con nói nhiều thế. Dần con trở nên lầm lì hơn, dễ giận dỗi”, chị Hoa trăn trở.
Trong mắt chồng, chị Hoa không được hài lòng bởi thu nhập thấp nên đã trở thành rào cản để giãi bày. Đa số chị chỉ nói chuyện về con cái, gia đình, và luôn phải “rào trước đón sau” để chồng thông cảm, chấp nhận cho công việc của mình.
11 năm bén duyên với nghề, chị Hoa chưa khi nào thiếu các loại thuốc bổ giúp tăng cân, bổ máu, an thần, mất ngủ. Đỉnh điểm nhất ở thời kì mới vào trường nhận lớp, chị Hoa chưa có kỹ năng sư phạm nhiều, các bạn nhỏ quấy khóc, có bạn trốn về phải đi tìm. “Tôi lo lắng mất ăn, mất ngủ. Việc giảm 3 - 5kg mỗi dịp đầu năm học mới là chuyện tôi và những đồng nghiệp thường à uôm cho qua”, chị Hoa nói.
Mệt mỏi, váng đầu với tiếng khóc của trẻ mỗi ngày, chị Hoa khó bắt đầu vào giấc ngủ. Hễ nhắm mắt, chị lại có ảo giác nghe thấy tiếng nhí nhéo của trẻ bên tai, hay giật mình và mê sảng.
Kết thúc cuộc trò chuyện chóng vánh, tua lại vô vàn cảm xúc của chuyện nghề, chị Hoa thổ lộ, dẫu chịu áp lực, căng thẳng mãn tính, nhưng nếu nghỉ việc chị cũng không biết làm gì khác. Vì thế, chị Hoa vừa “giật gấu vá vai” giữ nghề, giữ lửa gia đình, vừa phải sống chung với hội chứng kiệt sức mỗi ngày.
Tiếp cận tổng lực để… chữa kiệt sức
Từ trường hợp của chị Hoa nói riêng và tình trạng của người lao động nói chung khi rơi vào trạng thái “sức tàn lực kiệt”, chỉ biết bám trụ với nghề bằng các loại thuốc bổ, an thần, TS. Đồng Văn Toàn, Giám đốc Chương trình Tâm lý học, Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã định hướng một số giải pháp cơ bản.
Đề cập đến những nguyên nhân khiến giáo viên mầm non luôn bị kiệt sức, quá tải như chị Hoa, TS Toàn cho rằng, xã hội hiện đại, phụ huynh, nhất những gia đình trẻ thường làm việc toàn thời gian, hoặc tăng ca. Điều này khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào giáo viên mầm non, làm tăng thêm áp lực cho giáo viên, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
Việc giảng dạy ở cấp độ mầm non đôi khi không nhận được sự công nhận và đánh giá cao như giảng dạy ở các cấp độ học cao hơn, khiến giáo viên có cảm giác bất an và mất động lực trong nghề. Đặc biệt, giáo viên mầm non cần phải giữ trạng thái tâm lý ổn định và kiên nhẫn trong suốt thời gian làm việc, ngay cả khi trẻ có hành vi gây khó khăn hoặc quậy phá. “Do đó, tình trạng kiệt sức của giáo viên mầm non thường diễn ra định kỳ và luôn cần được xoa dịu từ những niềm vui khác trong cuộc sống”, chuyên gia nói.
Thay vì chỉ tìm đến các loại thuốc bổ, an thần hay coi đó là một hội chứng mãn tính, TS.Toàn cho rằng, giáo viên mầm non hay người lao động cần nhận được và tự tạo ra sự tiếp cận tổng lực. Về phía công đoàn, các tổ chức nghề nghiệp cần quan tâm đến sức khoẻ tinh thần cho người lao động qua các hoạt động, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo ra hormone hạnh phúc endorphin (chất giảm đau tự nhiên của cơ thể được sản sinh để phản ứng với trạng thái căng thẳng, khó chịu).
“Về phía gia đình, cần tạo ra một không gian an toàn, mở lòng chia sẻ để mỗi thành viên được giãi bày cảm xúc, lo lắng, nỗi sợ của họ. Một số gia đình hiện đại ngày nay, người lớn không có nhiều thời gian để giãi bày với nhau và với các thành viên khác. Khi không được hỗ trợ chia sẻ kịp thời, hội chứng này sẽ gia tăng và lan ra các thành viên thuộc thế hệ sau”, TS. Toàn cho biết.
(Còn nữa)