Chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam, được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với nét kiến trúc độc đáo hơn 400 năm tuổi. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện gắn liền với việc thờ phụng Thiền sư, Quốc sư Dương Không Lộ, người có công cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, làm nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc…
Chùa keo Hành Thiện gồm chùa Keo ngoài và chùa Keo trong. Về kiến trúc, phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Không gian chùa là một khu kiến trúc cổ bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian. Bên trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ từ thế kỷ 17 thời Hậu Lê rất giá trị, đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp, nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo...
Ngôi chùa này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đại diện Bộ VH-TT và DL trao bằng công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia - Ảnh: Hoàng Long
Từ năm nay, Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện cũng chính thức được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2963/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ hội gắn liền với việc thờ phụng thiền sư, quốc sư Dương Không Lộ, người có công cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc… Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện hàng năm diễn ra 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng hai tại Chùa Đĩnh Lan (Keo ngoài) với các các nghi lễ: Dâng hương, rước kiệu, yến lão…
Lễ hội mùa thu trước kia được nhân dân làng Hành Thiện tổ chức từ ngày 10 đến 16 tháng chín âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội được tổ chức trong các ngày từ ngày 12 đến 15 tháng chín. Ở phần lễ, các nghi lễ cổ vẫn được bảo tồn như: trình Phật, Thánh, Phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ. Bên cạnh các nghi lễ, trong phần hội, nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện dịp tháng chín được gìn giữ như: Bơi trải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử…
Biểu diễn bơi thuyền tại Lễ hội chùa Keo Hành Thiện - Ảnh: Hoàng Long
Theo ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện là công trình kiến trúc cổ, độc đáo có niên đại khởi dựng từ thời nhà Lý, là nơi dân làng Hành Thiện tri ân công đức đối với Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ - một danh nhân của đất nước đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời Lý. Việc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của chùa Keo Hành Thiện.
Theo ban tổ chức, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện năm nay sẽ diễn ra từ nay đến ngày 14/10.