> Bộ Quốc phòng yêu cầu báo cáo vụ giết Voọc tung ảnh lên mạng
Cuối tuần trước là hình ảnh hành xác, giết thịt dã man một con voọc chà vá, đầu tuần này là chú bò tót hoang dã có tên khoa học Bos gaurus chết sau khi bị bắn thuốc mê.
Dư luận đang đặt câu hỏi về sự chuyên nghiệp trong quá trình cứu hộ chú bò tót hoang trót đi lạc vào sân bay Phú Bài này, liệu có gì tắc trách dẫn đến cái chết oan uổng không ? Chỉ biết rằng chú bò quý hiếm này chết mà không toàn thây, xác chú đã được tiêu hủy theo kiểu... “hủy diệt” ngay tại chỗ, mật bị đập nát để đề phòng có kẻ lấy trộm bán kiếm lời.
Chưa hết, để yên tâm người ta phải cắt cử người canh gác “mộ phần” của chú ít nhất 5 ngày tránh bị khai quật trộm. Sở dĩ như vậy bởi tất cả các bộ phận cơ thể chú bò tót hoang này hiện đang cực kỳ có giá trên thị trường Việt Nam.
Chỉ riêng cách chôn cất, tiễn biệt chú bò tót đã phần nào nói lên cái thú say mê xơi thịt thú rừng của một bộ phận không nhỏ dân ta, bất chấp tội danh “săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm” đã được quy định rõ tại điều 190 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế dường như luật đã bị nhờn, bởi quán thịt thú rừng mọc lên nhan nhản khắp nơi, nhưng chưa thấy ông chủ quán nào bị ra trước vành móng ngựa cả.
Bởi thế cho nên, cũng ngay trong tuần qua, báo cáo của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cảnh báo : Việt Nam là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về mua bán động vật hoang dã (cùng với Lào và Mozambique), trong đó có ngà voi, sừng tê giác và xương hổ.
Trong thế giới văn minh, hành động phá hoại môi trường thiên nhiên, giết hay ăn thịt động vật hoang dã không những là tội ác mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức. Thậm chí ở nhiều nước, hành động ngược đãi thú nuôi như chó, mèo... cũng vi phạm pháp luật, bị cảnh sát hỏi thăm.
Chưa cần tới châu Âu, chỉ cần sang Thái Lan hay nhiều nước trong khu vực, hình ảnh chim bồ câu sà xuống thân thiện với con người trong công viên hay quảng trường đã trở nên phổ biến.
Ấy vậy mà ở Hà Nội, chưa nói đến chim bồ câu, mà nhiều loài chim trong tự nhiên khác cũng đang bị những kẻ săn bắn tận diệt, đem bán rong như một thứ đặc sản.
Các loài vật trong tự nhiên vốn đã sinh tồn và tiến hóa cùng loài người hàng triệu năm qua. Mỗi loài vật, mỗi loài chim, thú quý hiếm đều là một báu vật do thiên nhiên ban tặng, một nguồn gene quý giá tạo nên sự cân bằng sinh thái cho muôn đời.
Bắn giết hay hủy diệt bất cứ loài nào đều gây ra nguy cơ mất cân bằng sinh thái, hủy hoại chính môi trường sống của chúng ta.
Biết cách sống tôn trọng, gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp cần được dạy dỗ chu đáo cho học sinh ngay từ khi tới trường, đó phải được coi là phần không thể thiếu của môn đạo đức - giáo dục công dân. Bằng không những hình ảnh nhói lòng từ rừng xanh như vừa qua vẫn cứ sẽ tiếp tục tái diễn.