Theo GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, ban đầu, khi đọc tên luận án tiến sĩ về cầu lông, ai cũng tưởng đó là chuyện đùa nhưng thực tế là có thật. Không những thế còn có ít nhất 6 “luận án cầu lông” khác. Sau đó, lại phát hiện ra hàng loạt luận án kiểu “Đảng bộ tỉnh X lãnh đạo”, tiếp theo là đủ các loại luận án kiểu “Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh Y”.
Dư luận cho rằng các luận án này chỉ là những báo cáo chuyên đề về địa phương nào đấy, cán bộ hành chính nào cũng soạn được. Hơn thế nữa, các luận án đều có lời lẽ và nội dung na ná nhau kiểu “chép và dán”. GS Ngô Việt Trung cho hay nếu không xác định được nguyên nhân của hiện tượng này và các cơ quan quản lý không đưa ra được những biện pháp đúng đắn, những câu chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí còn tinh vi hơn.
Một giáo sư của ngành Toán cho biết, ông đã từng được mời ngồi hội đồng bảo vệ của nghiên cứu sinh tại một trường ĐH nổi tiếng. Sau khi nghe nghiên cứu sinh trình bày, ông và một giáo sư khác cùng ngành bỏ phiếu không đạt. Vì hai lá phiếu này mà nghiên cứu sinh đã trượt bảo vệ năm đó và phải bảo vệ lại vào thời gian sau. Tuy nhiên, từ sau vụ việc đó, trường ĐH kia không còn mời vị giáo sư này là thành viên của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ ngành Toán.
Mới đây, luận án “Ẩm thực người Việt gắn với du lịch ở tỉnh Bến Tre hiện nay” của một giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành bảo vệ thành công tại Học viện Khoa học Xã hội cũng bị dư luận tố có nhiều sạn và chưa hợp với quy chuẩn chất lượng của một luận án tiến sĩ. Các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, du lịch Bến Tre thông tin trang 52 luận án có nêu “Các mắm phổ biến là mắm tép, mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá chốt, mắm cá sặc, mắm cua…”, đây là sự sáng tạo của tác giả, người Bến Tre chỉ ăn mắm còng và mắm ba khía. Trang 54 ghi “Người dân Bến Tre có câu: Cá ngát sống cũng nhờ trái bần mà chết cũng vì trái bần”. Nhận định này là phi thực tế và không am hiểu môi trường sống của các loài cá. Cá ngát sống ở tầng nước đáy và chuyên đào hang, không sống ở tầng nước trên.
Lỗi hệ thống
Bàn luận về vấn đề tiến sĩ hiện nay, GS Ngô Việt Trung cho rằng trước tiên phải thấy đây là lỗi hệ thống. Qua tìm hiểu, tác giả luận án tiến sĩ cầu lông là giảng viên ĐH nên có nhu cầu chính đáng trở thành tiến sĩ để phục vụ công tác giảng dạy. Nhưng theo quan điểm nhiều nhà khoa học, luận án chỉ xứng tầm luận án tốt nghiệp ĐH. Vấn đề ở đây là người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ gồm những chuyên gia trong ngành đã thông qua luận án. Tất cả đều thực hiện theo đúng quy trình. “Bộ GD&ĐT có tiến hành hậu kiểm cũng phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia trong ngành. Liệu họ có dám kết luận các đồng nghiệp của mình không đủ trình độ hay không”, GS Ngô Việt Trung băn khoăn.
Ông cho rằng tất cả những điều trên phản ánh thực tế nền khoa học Việt Nam còn hạn chế, không đủ sức đánh giá chất lượng thực sự của luận án trong nhiều chuyên ngành. Việc hậu kiểm của Bộ GD&ĐT chắc chắn không giải quyết được vấn đề này. Vì từ câu chuyện “lò ấp” tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội dù đã có kết luận Thanh tra nhưng cuối cùng không có tiến sĩ nào bị rút bằng.
GS Ngô Việt Trung khẳng định Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD&ĐT tuy đưa ra tiêu chuẩn thấp hơn các nước trong khu vực nhưng đã tiệm cận dần với tiêu chuẩn thế giới. Thế nhưng năm 2021, với Quy chế mới, giáo dục ĐH của Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á. Ông nhìn nhận “quả bom” đã bắt đầu phát nổ.
GS Ngô Việt Trung chia sẻ khi ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021, Bộ GD&ĐT giải thích là Quy chế 2017 “thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và “bối cảnh đã thay đổi” nên Quy chế mới chỉ “đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. “Với quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021, Bộ đã hợp pháp hoá việc đào tạo tiến sĩ chất lượng thấp, đi ngược lại mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế do chính Bộ đặt ra”, GS Ngô Việt Trung nêu quan điểm.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chuẩn đầu ra với tiến sĩ là yêu cầu sống còn của người làm khoa học. Ông nhìn nhận, Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 thắt chặt quy định chuẩn đầu ra phải có 2 bài báo hoặc công bố quốc tế trên tạp chí uy tín. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh, thứ hạng giáo dục đại học cũng tăng theo. Nhưng Quy chế năm 2021 bỏ quy định này sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát đào tạo và chất lượng đầu ra.
GS Nguyễn Đình Đức nêu thực tế, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ 2017, nhiều ngành/chuyên ngành học không tuyển được thí sinh. Điển hình năm 2020 - 2021, chỉ tiêu tuyển nghiên cứu sinh toàn quốc là 12.000, nhưng chỉ 2.400 người trúng tuyển (chiếm khoảng 20% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên đây là tín hiệu đáng mừng khi thắt chặt chuẩn đầu vào, đầu ra.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng không ngoại lệ, trước khi có quy chế 2017, trường tuyển khoảng 350 nghiên cứu sinh/năm học, nhưng khi quy chế thắt chặt, số lượng tuyển hàng năm giảm xuống còn 200 người. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên trước đây tuyển vài trăm nhưng giờ chỉ còn 60 - 70 nghiên cứu sinh. Trường ĐH Công nghệ trước đây khoảng 100 thì nay chỉ còn 20 nghiên cứu sinh.
“Nếu không thắt chặt công bố quốc tế thì sẽ tồn tại những lớp tiến sĩ kém chất lượng. Hệ quả trong tương lai, tiến sĩ không chất lượng sẽ không có đội ngũ phó giáo sư, giáo sư chất lượng. Nền khoa học - giáo dục của Việt Nam khi ấy sẽ xuống dốc nghiêm trọng bởi những lớp người yếu kém không biết đến công bố quốc tế là gì”, GS Nguyễn Đình Đức nói.
Quy mô đào tạo tiến sỹ năm học 2016-2017 trong hệ thống các trường ĐH là 13.578 người, tăng 25% so với năm học 2015-2016. Năm học 2017-2018, quy mô đào tạo tiếp tục tăng lên 14.686 người. Nhưng đến năm học 2018-2019, sau khi Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 được ban hành, quy mô đào tạo tiến sỹ giảm còn 11.000, năm học 2019-2020 là 11.054 người. Tỷ lệ nhập học cũng giảm rất nhanh.
(Còn nữa)