Dưới đây là một số ý tưởng giúp con bạn học cách nói lời cảm ơn khi được nhận quà. Hãy dạy con thói quen nói lời cảm ơn ngay từ khi con biết nói để giúp con hình thành một trong những quy tắc ứng xử tối thiểu cần cho cuộc sống của con sau này:
1. Đặt ra tình huống minh hoạ cụ thể: Khi nhận quà con cần nói và hành động như thế nào?
- Bạn có thể giới thiệu một bài học mới cho bé bằng lời mở đầu, “Hôm nay mẹ sẽ chỉ cho con biết con nên làm gì khi nhận được một món quà từ ai đó”, vừa nói bạn vừa minh hoạ bằng hành động cho bé hiểu.
- Từ tốn chỉ ra những điều không nên, ví dụ như, "Mẹ không đòi quà của ai cả, và mẹ cũng không bao giờ hỏi rằng “Quà của tôi đâu?” ”
- Bạn chuẩn bị sẵn một món quà nhỏ để minh hoạ. Dẫn chứng cho bé về thái độ, cử chỉ và những lời nói phù hợp, đúng đẵn.
“Khi mẹ nhận món quà từ tay người tặng, ví dụ là cô bạn của mẹ, mẹ sẽ nhìn vào mắt cô ấy, cười tươi và nói rằng “Cảm ơn cậu!”
- Trong lúc bạn mở hộp quà “tượng trưng”, “Sau khi mẹ mở gói quà được tặng, mẹ sẽ nói “Cảm ơn cậu!” một lần nữa.
“Nếu mẹ đã có một món đồ giống y như vậy, mẹ sẽ không nói với cô ấy rằng, mẹ cũng đã có rồi”.
Đưa ra một vài ví dụ về cách bạn ứng xử trong tình huống này, giả sử như một lời khen về món quà đó, để bé biết, nếu trong tương lai con bạn gặp phải tình huống tương tự, bé sẽ “ứng phó” như thế nào.
- Nếu bạn muốn con của mình ôm hoặc hôn cảm ơn người thân hay bạn bè khi bé nhận quà, hãy cho con bạn biết điều đó là việc bé nên làm. Sau đó, bạn cũng thể hiện bằng những hành động minh hoạ cụ thể.
- “Khi bóc quà xong, mẹ sẽ xếp dọn giấy bọc, không để chúng vương vãi ra nhà” – Đây là một lời nhắc nhở để bé biết phải giữ gọn gàng, ngắn nắp.
- Cuối cùng, “Mẹ sẽ viết một lá thư ngắn để cảm ơn người bạn đã tặng mẹ quà”. (Nếu bé của bạn đang tập viết, hãy dạy bé viết đơn giản hoặc vẽ tranh thay lời cảm ơn).
2. Tạo nhiều cơ hội để con của bạn được thực hành
Việc thực hành đi thực hành lại nhiều lần thực sự cần thiết để trẻ có thể học được những cách ứng xử và thái độ phù hợp. Bạn nên tạo nhiều cơ hội để bé “rèn luyện” trước khi thực sự được nhận một món quà từ ai đó. Hãy thử “thiết kế” một vài tình huống như sau:
- Chuẩn bị một túi hoặc một hộp đựng quà có nắp đậy, bạn sẽ tái sử dụng nó nhiều lần. Bí mật cho những món đồ chơi, quần áo hoặc sách của con bạn vào túi hoặc hộp quà đó và đóng vai làm người tặng quà. Bé hoàn toàn bất ngờ về điều này. Chắc chắn đây chính là tình huống giả định mà bạn đã đưa ra từ trước, bé sẽ phải tìm một vài lời khen cho món quà “đụng hàng” này.
- Bạn có thể tặng cho trẻ những món quà nhỏ vào các dịp đặc biệt để bé tập nói lời cảm ơn khi nhận món quà đó.
- Một món quà “giả vờ” cũng trở nên hữu ích trong “công cuộc đào tạo” của bạn.
- Nếu bạn có 2 con trở lên, hãy để các bé thay phiên nhau đóng vai người tặng quà và người nhận quà.
- Sau khi trẻ đã được thực hành nhiều lần, hãy cùng nói chuyện và thảo luận với các bé về chủ đề “Con sẽ làm gì khi được nhận một món quà?”.
3. Khen ngợi và động viên bé khi con bạn nhớ được đúng những “nghi thức” cần thiết
“Mẹ rất vui và hạnh phúc khi nhìn thấy con cười với bà, ôm bà và nói “Cháu cám ơn bà!” ”
“Mẹ thực sự hài lòng vì con đã nhớ nói rằng con thích món quà mà bà tặng”
“Con đã thu dọn những miếng giấy gói quà gọn gàng như lời mẹ dạy!”
4. Đừng phê bình hay làm bé xấu hổ ở nơi công cộng khi bé quên mất phải thực hiện một nghi thức nào đó
- Hãy nhớ rằng trẻ cần thực hành rất nhiều lần.
- Lặp đi lặp lại các bài học để trẻ ghi nhớ.
- Và tạo nhiều cơ hội giúp trẻ thực hành những bài học đó.