Hoàng cung Huế hạ nêu, tưng bừng khai ấn đầu năm

TPO - Ngày 11/2, nhằm mồng 7 Tết Kỷ Hợi, tại Đại nội Huế diễn ra các nghi thức, hoạt động truyền thống của Hoàng cung xưa để mở đầu một năm mới “phúc, thọ, khang, ninh”, như lễ hạ các cây nêu, khai ấn tân niên và tặng chữ chúc xuân. 

Trước đó, theo thông lệ hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, tại Đại nội Huế diễn ra lễ dựng nêu (thướng tiêu) báo hiệu việc nghỉ Tết đón Xuân. Sau 14 ngày, tại Hoàng cung Huế diễn ra lễ hạ nêu để bắt tay vào công việc của một năm mới, với nhiều ước vọng phúc thọ, an khang. Đây cũng là hoạt động báo hiệu thời gian nghỉ Tết đã hết.

 

Khai ấn

Được biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khu di sản Huế đón hơn 130.000 lượt du khách tham quan. Cùng với đó là việc mở cửa miễn phí các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý để phục vụ du khách nội địa trong 3 ngày đầu năm mới Kỷ Hợi (từ mồng 1 đến 3 Tết).

Tặng chữ cầu chúc bình an được đóng ấn triện cung đình cho du khách

Trước khai ấn là lễ hạ nêu

 
 

Lễ hạ nêu được phục dựng trang trọng

Theo lệ xưa, cùng với nhiều nghi thức cung đình, vào hạ tuần tháng Chạp, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ phất thức (lễ quét dọn). Các quan lớn vào ngày này đến chầu tại điện Cần Chánh. Tại đây, vua tiến hành mở các tủ đựng ấn vàng, ấn ngọc.

Các quan tiến hành lau ấn bằng nước thơm và khăn màu đỏ. Ấn sau khi lau rửa xong được cất vào tủ, bên ngoài niêm  hai chữ “hoàng phong”. Sau lễ này, vua và các quan nghỉ Tết, không dùng đến ấn cho đến lễ “khai ấn” đầu năm mới, để tiếp tục công việc trở lại.

 
 

Lễ rước cây nêu trong hoàng cung Huế

Nghi lễ hạ nêu, khai ấn được đông đảo du khách quan tâm khi tham quan Đại nội Huế

Năm nay, lễ “khai ấn” trong Hoàng cung Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng trang trọng. Cùng với lễ khai ấn là hoạt động tặng chữ cho du khách, người dân thông qua những bức thư pháp mang thông điệp tốt lành, cầu hạnh phúc, bình an đầu năm như phúc, thọ, khang, ninh, như ý, cát tường…