Họa sĩ Nguyễn Sơn lại gây giật mình

TP - Nguyễn Sơn mới bén duyên hội họa 10 năm nay, nghề nghiệp chính vẫn là kiến trúc sư. Triển lãm “Ghim” của anh ở Bảo tàng Mỹ thuật mới khép lại, nhiều người bảo: giật mình! Trước đó 2 năm, triển lãm cá nhân đầu tiên của anh từ chất liệu vi mạch điện tử cũng từng khiến người trong giới nói câu tương tự.

Tác phẩm tranh ghim “Lưới thời gian” của Nguyễn Sơn

Ghim - tranh dùng chất liệu mới lạ

Chất liệu chính để làm nên 28 bức tranh trong triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Nguyễn Sơn vừa diễn ra (từ 1/8 đến 5/8 năm 2022) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là ghim và màu acrylic, trên chất liệu nền là tấm gỗ - nhựa công nghiệp. Sự xuất hiện của ghim trên bề mặt tranh tạo những hiệu ứng rất đặc biệt, nhất là dưới ánh sáng khúc xạ do lớp phủ bề mặt tạo ra, khiến cho người xem có thể tiếp cận tác phẩm ở nhiều chiều kích khác nhau, và mỗi chiều kích ấy lại đem đến một ấn tượng thị giác khác.

Ngay trong sảnh triển lãm có một bức tranh ghim đang làm dở cùng với tất cả đồ nghề sáng tác của nghệ sĩ. Người xem được mời tham dự vào việc hoàn thiện bức tranh. Đầu tiên phải dùng súng bắn ghim loại lớn để tạo chi tiết. Riêng việc này đã không dễ bởi súng bắn có độ nảy và khó kiểm soát trên bề mặt cứng. Kế đến người sáng tác phải dùng búa đập cho cái ghim xuống sát bề mặt tranh. Trường hợp ghim hỏng phải dùng kìm kéo ra, làm lại. Tôi ngồi loay hoay cả buổi còn chưa phủ đầy diện tích một cánh hoa. Nhìn lại những tác phẩm trong triển lãm, lớn nhỏ dày đặc chi tiết mới hiểu vì sao họa sĩ cần tới 4 năm chỉ để làm ra 28 tác phẩm.

Một bức tranh ghim được Nguyễn Sơn sáng tác với quy trình như sau: theo bản phác thảo vẽ như một bức tranh bình thường, đầu tiên anh vẽ lót phần nền định hình bằng màu acrylic trên gỗ, tiếp đó dùng ghim phủ lên trên. Tất cả các loại ghim này đều được nhuộm màu bằng một phương pháp nung đặc biệt để không bong tróc khi bị tác động mạnh (bằng búa). Bảng màu của ghim được phân cấp giống như màu vẽ ở bản phác thảo. Đơn giản một màu xanh coban thì đã có đến hàng vài chục biến thể từ đậm đến nhạt. Nếu như quá trình vẽ định hình nhanh thì quá trình ghim bề mặt, ngược lại rất lâu và thách thức lòng kiên nhẫn. Họa sĩ nói, để hoàn thành bộ tranh này trung bình mỗi ngày anh làm việc 12-15 giờ, ngồi nhiều đến nỗi bị thoát vị đĩa đệm.

Họa sĩ Nguyễn Sơn

Một thú vị nữa ở tranh ghim của Nguyễn Sơn, đó là mọi hình ảnh đều được nhìn qua lăng kính... mặt nước, tạo nên bởi lớp phủ trong. Xem tranh theo nhiều góc độ, cảm giác như một cơn gió mạnh vừa lướt qua khiến cho mọi hình ảnh có độ bay. Cách tạo hình này đem lại cảm giác bên dưới lớp phủ bằng sắt của ghim dường như chứa đựng rất nhiều xao động.

Nguyễn Sơn là họa sỹ mà tôi nể trọng bởi khát vọng khám phá trong thực hành nghệ thuật (từ kiến trúc đến hội họa và điêu khắc).

Hội họa của anh có biên độ khá rộng và sự phong phú về chất liệu: từ tả thực với sơn dầu, qua biểu hiện, trừu tượng với acrrylic, với bìa, với các mảng bo mạch từ các linh kiện phế thải và lần này là ghim.

Với cá nhân tôi, tranh ghim của Nguyễn Sơn là nghệ thuật. Những tác phẩm này sau khi được tráng thêm một lớp epoxy đem lại những hiệu quả thị giác rất bất ngờ.

TS. Bùi Quang Thắng

“Con người không có rễ, nó có hai bàn chân”

Nguyễn Sơn sinh năm 1969, mới “toàn tâm toàn ý” cầm cọ chừng 10 năm nay. Anh vẽ nhiều, nhưng âm thầm. Mãi đến hai năm trước anh mới “bung ra”, đưa tác phẩm của mình đến các triển lãm trong và ngoài nước và gần như lập tức được giới chuyên môn chú ý.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của anh có tên “Ma trận” diễn ra năm 2020 tại Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) sử dụng vật liệu chính là các bảng mạch điện tử phế thải. Cả một vùng ngoại ô được anh tái hiện bằng các chi tiết bảng mạch và len lẫn màu acrylic trông giống một mô hình kiến trúc. Mở ngoặc đơn, nghề nghiệp chính của Nguyễn Sơn là kiến trúc sư. Đây cũng chính là công việc “nuôi” anh và gia đình, để anh có thể tự do với những ý tưởng hội họa mà không cần băn khoăn nhiều rằng tranh “lạ” thế này có bán được không, đầu tư thế nọ có thu hồi vốn được không???

Một đặc điểm nổi trội trong thực hành nghệ thuật của Nguyễn Sơn là anh liên tục di chuyển, khám phá và tạo ra những dòng tranh sử dụng các chất liệu gần như chưa có tiền lệ. Các bảng mạch phế thải là ví dụ, hay như việc dùng ghim vừa rồi, và dùng bìa carton mà anh cho biết sẽ triển lãm cá nhân ở Canada vào thời gian tới.

Tôi hỏi: sau khi thành công với “Ma trận”, sao anh không “đào” tiếp, thành hẳn một con đường riêng? Anh trả lời: tôi thích khám phá nhưng không thích khai thác, đóng đinh mình ở một chỗ, việc ấy sẽ cản trở tôi tìm ra những thứ mới mẻ hay ho còn đầy ngoài kia. Tất nhiên, chỉ khi tôi cảm thấy mọi thứ đã tốt nhất có thể, tôi mới công bố tác phẩm của mình, và mới yên tâm tìm một lối đi khác.

Một số hoạ sỹ có chia sẻ nhận xét rằng Nguyễn Sơn chọn lối đi khó, chất liệu và cách thức anh dùng để tạo hình, đặc biệt khi tạo hình với ngôn ngữ vẫn có gốc là kỹ thuật cổ điển, dễ tạo cản trở. Như việc tả sự biến chuyển sắc độ trên khuôn mặt người nhưng lại bằng những chiếc ghim, chắc chắn khó có thể đạt đến độ tinh. Có hoạ sỹ lại liên tưởng tranh ghim của Nguyễn Sơn có gì đó giống với? tranh thêu. Chỉ có điều thay cho những mũi chỉ màu, ở đây là những chiếc ghim.

Họa sĩ Nguyễn Sơn. Tranh: Kim Duẩn
Họa sĩ Nguyễn Sơn. Tranh: Kim Duẩn
Họa sĩ Nguyễn Sơn. Tranh: Kim Duẩn

Điều này lý giải vì sao thời gian dành để khai phá các chất liệu của Nguyễn Sơn thường khá dài. Nói ví dụ như “Ghim” được anh làm đều đặn trong 4 năm (thời gian sáng tạo của mỗi người được mấy lần 4 năm?). Phải trả giá rất cao để đúc rút ra những kỹ thuật thực hành, ví dụ như nung ghim nhưng anh không hề giấu nghề. Anh kể: Sau triển lãm, có họa sĩ trẻ đến hỏi dò, anh hào phóng truyền kinh nghiệm.

“Tôi không giữ nghề, cũng không giấu. Nếu có người thích, muốn làm theo tôi sẵn lòng chia sẻ. Cũng hy vọng các bạn làm nó tốt hơn, phổ biến hơn. Còn tôi, tôi lại phải tìm một chất liệu mới, cách biểu hiện mới để thỏa mãn trước nhất, là nhu cầu sáng tạo của tôi”, anh nói.

Quan điểm sáng tạo của Nguyễn Sơn khiến tôi nhớ đến câu nói của Bertold Brecht: con người không có rễ, nó có hai bàn chân. Việc đứng quá lâu ở một chỗ hoặc quá chìm đắm vào một nơi khiến người ta “mọc rễ”, bị chôn chân - điều ấy có vẻ không phù hợp với cấu tạo tự nhiên của con người “ nó có hai bàn chân, để đi, khám phá và trải nghiệm.

Kiến trúc sư, họa sĩ, võ sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia...

Mười năm dùng phần lớn thời gian để cầm cọ, anh cho biết từng bán hai căn nhà để nuôi tranh, nhưng Nguyễn Sơn không sốt ruột bán tranh bằng mọi giá.

Anh bảo mình có một thói rất khùng là lúc nào cũng đặt nặng câu hỏi, người mua tranh mình có thực sự thích bức tranh ấy hay không? Khi cảm nhận câu trả lời là không, anh dừng giao dịch. Khi nghĩ tác phẩm bị ép giá, anh cũng dừng giao dịch.

“Có lúc tôi nghĩ: tranh của mình, mình quý nhưng đến đời con cháu mình, chắc gì chúng nó đã coi trọng. Tôi đã tưởng tượng đến một lúc sẽ ra bờ sông Hồng, dùng tranh dựng một cái lều, ngủ ở đấy một đêm, rồi sáng ra đốt hết”, anh tâm sự.

Đeo đuổi việc khám phá nội tâm, khám phá cảm xúc bản thân, Nguyễn Sơn còn rất nhiều cách, ngoài kiến trúc và hội họa, anh còn tham gia vào võ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc... Mỗi lĩnh vực anh đều có dấu ấn riêng. Nhưng chốt lại thì: “hội họa đem đến cho tôi tự do sáng tạo cao nhất”, anh tổng kết.

Cuộc phiêu lưu cảm xúc

Tôi đặt câu hỏi: giữa kiến trúc và hội họa, đâu mới là “chân ái” của đời anh, vốn là muốn dẫn Nguyễn Sơn nói một cái gì đó lâm ly cảm động về hội họa, nhưng không ngờ, anh lại khẳng định: chính là kiến trúc, nó vừa là tình yêu vừa là nỗi đau đớn!

Nỗi đau đớn của nghề kiến trúc không đến từ chính bản thân anh, phần lớn là những va đập ở bên ngoài. Nhưng những vòng kim cô lạnh lùng ấy (đến từ nhà đầu tư, các thủ tục hành chính...) khiến cho việc sáng tạo của Nguyễn Sơn liên tục bị trói tay trói chân, bị kìm hãm và khó ra trước ánh sáng mặt trời.

Họa sĩ Nguyễn Sơn (áo đỏ) hướng dẫn khán giả làm tranh ghim

“Hội họa thì tự do hơn, nó gần như chỉ phụ thuộc vào bản thân mình”, anh nói. Nguyễn Sơn cũng khẳng định hành trình hội họa là một trải nghiệm khám phá nội tâm của cá nhân anh, khám phá việc thể hiện cảm xúc của mình qua các chất liệu.

Với anh chất liệu là một yếu tố quan trọng tạo ra giá trị thẩm mỹ và sự mới lạ độc đáo: “Tôi thám hiểm nó, đồng thời nó cũng thám hiểm và dẫn dắt tôi”.

Ngoài các chất liệu quen thuộc như sơn dầu, màu nước, phấn màu và acrylic, anh còn dùng đến các chất liệu tạo nên kết cấu bề mặt khác nhau như: bảng mạch, len, bìa, ghim, nhựa, bột nặn? Việc đu đưa giữa những chất liệu gần như không liên quan này thường đem đến cho anh những trải nghiệm bất ngờ, có thể khiến một người đàn ông nóng như lửa kiên nhẫn ngồi xuống chắp nối từng miếng ghim nhỏ như người ta chắp nối từng mũi thêu trên một bức tứ bình khổ lớn.