Trong khi Nga và Ai Cập, hai quốc gia được cho là “nạn nhân” của thảm họa trên, thận trọng trong tất cả các phát ngôn, đồng thời cảnh báo bất cứ giả thuyết nào về sự cố máy bay trước khi có kết luận chính thức sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, thì giới chức Mỹ và Anh liên tục đưa ra những phân tích gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Anh quả quyết máy bay A-321 do khủng bố thực hiện. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định: “Chúng tôi kết luận vụ tai nạn có thể xảy ra do một thiết bị nổ trên máy bay”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố “nhiều khả năng” chiếc máy bay bị gài bom. Thậm chí, truyền thông đưa tin tình báo Mỹ và Anh đã nghe lén IS trao đổi về vụ “tuồn bom lên khoang hàng hóa của chiếc máy bay Nga” nhờ sử dụng vệ tinh ghi lại các cuộc trao đổi qua mạng giữa phiến quân IS.
Thông tin này khiến nhiều người hoài nghi, vì nếu cài bom, thì ngay từ đầu IS có thể công bố thông tin này, không để đến nay vẫn “dọa” sẽ đưa bằng chứng mới.
Giám đốc Cơ quan Hàng không Nga Alexander Neradko cho biết đang phân tích mọi khía cạnh của vụ rơi. Riêng quá trình nghiên cứu các hộp đen có thể mất vài tuần. Tuy nhiên, thông tin từ hộp đen có rất ít giá trị nếu chiếc A-321 phát nổ thành nhiều mảnh trên không. Còn nếu máy bay bị cài bom, việc điều tra sẽ không dựa vào hộp đen, mà căn cứ vào mảnh vỡ máy bay để xác định dấu vết chất nổ.
Không rõ Mỹ và Anh đưa hàng loạt các phân tích trên trong thời điểm nhạy cảm này nhằm mục đích gì, nhưng nó chẳng khác nào việc tung hỏa mù khiến cho tình hình trở nên rối ren. Trong khi đó, thân nhân của 224 người tử nạn theo chiếc máy bay đang trông chờ vào những câu trả lời chuẩn xác, thay vì những thông tin dẫn từ các “nguồn tình báo giấu tên” như những ngày qua.