Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

Hòa bình, độc lập là ước vọng mãnh liệt nhất

TP - Chia sẻ với Tiền Phong về sự kiện lịch sử 30/4/1975, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói, ước vọng hòa bình, độc lập của dân tộc luôn là ước vọng mãnh liệt nhất của người dân Việt Nam. Điều đó giải thích vì sao nhân dân ta chịu đựng được sự tàn khốc, ác liệt và kéo dài của chiến tranh.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Có hòa bình, ăn sắn, mặc quần đùi cũng sướng

Là người đã trải qua nhiều thời khắc lịch sử của đất nước, đã trực tiếp tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris năm 1973, bà có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận được thông tin chúng ta đã giành chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đến nay, sau 40 năm, cảm xúc của bà như thế nào khi ngày 30/4 lịch sử đang cận kề?

Tôi có vinh dự được chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của đất nước. Ngày 27/1/1973 - ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam,  là 1 sự kiện lịch sử quan trọng, một bước ngoặt chiến lược của quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của nhân dân ta chống sự can thiệp của Mỹ. Để rồi ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc ta. Khi được tin chiến thắng, tôi cùng các vị trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang ở thành phố Đà Nẵng cũng vừa được giải phóng. Lúc đó tôi cảm thấy một niềm vui không thể tả được, muốn ứa nước mắt, nhưng cũng có cảm giác như đang đón nhận một cái gì chắc chắn nó phải đến.

40 năm nhìn lại cả chiều dài cuộc hành trình của 2 cuộc kháng chiến, tôi thấy dân tộc ta hết sức vĩ đại. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,…thật tài tình đã lãnh đạo cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt và dai dẳng và  đánh thắng cả hai đế quốc lớn là Pháp, Mỹ. Tôi tự hào về đất nước ta, về nhân dân ta.

Tại cuộc hội thảo mới đây do Thành ủy TPHCM tổ chức, các nhà khoa học đã nói rằng, chính khát vọng hòa bình đã nuôi giữ sức mạnh cho dân tộc Việt Nam để chiến thắng trước các kẻ thù xâm lược. Bà chia sẻ gì trước nhận định trên?

Trong những năm chiến tranh , tôi còn nhớ có nhiều đồng chí tâm sự với tôi lúc đó: “Bây giờ mà có hòa bình, thì có ăn sắn, mặc quần đùi cũng sung sướng”. Đó là mong muốn của những con người đang chịu đựng sự tàn khốc, ác liệt và kéo dài của chiến tranh. Nhưng phải nói ước vọng độc lập mới là ước vọng mãnh liệt hơn. Điều đó giải thích vì sao nhân  dân ta chịu đựng được sự tàn khốc, ác liệt và kéo dài của chiến tranh. Chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh  nói: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký hiệp định Paris năm 1973 (ảnh tư liệu).

Thắng lợi của cả dân tộc

Khi nhắc về ngày 30/4, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói:“Đó là ngày có hàng triệu người vui và có hàng triệu người buồn”. Bà chia sẽ thế nào với những suy nghĩ này của cố Thủ tướng?

Tôi nghĩ rằng chỉ có những người yêu tha thiết đất nước này, dân tộc này mới nói được như vậy.Và chỉ có những suy nghĩ như vậy mới có thể tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân hướng về một tương lai chung của đất nước.

40 năm là khoảng thời gian không hề ngắn. Nhưng cho đến tận hôm nay chúng ta vẫn cứ phải nói đến câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Bà suy nghĩ gì về điều này?

Sau khi giành thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo: phải thực hiện thật tốt chính sách hòa giải dân tộc, làm cho mọi người dân hiểu thắng lợi 30/4 là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam.

Nhưng thực tế không đơn giản, đặc biệt chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất để lại trong lòng một số người ngoài mặc cảm “thua cuộc” còn mang những hận thù của cá nhân và gia đình. Để hàn gắn vết thương 40 năm chưa lành cần sự chuyển biến mạnh hơn của cả hai phía .

Theo bà, bây giờ làm thế nào để chúng ta có thể hòa giải, tập hợp rộng rãi được những con người có thể khác biệt về quan điểm, chính kiến, nhưng có chung cái tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

Tôi nghĩ muốn hòa giải phải có thiện chí từ hai phía, nhà nước ta có trách nhiệm lớn và  cần những chính sách chủ động, thiết thực hơn nữa. Phải kiên trì, nhưng phải tích cực hơn  trong công  cuộc hòa giải dân tộc này vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.

Xin cảm ơn bà! 

Sau khi giành thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo: phải thực hiện thật tốt chính sách hòa giải dân tộc, làm cho mọi người dân hiểu thắng lợi 30/4 là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam.