> Hiện tượng 'Nhạc thiếu nhi thị trường': Hơn cả thảm họa
> Nhạc thị trường 'làm thịt' trẻ con
Trông người mà buồn cho ta…
Về chuyên môn thuần túy, tôi đánh giá cao khả năng của các em bé trong nhóm HKT-M và ACK, và trong chừng mực nào đó cả những người đào tạo các em. Những sản phẩm này làm ra nhằm tới người lớn- đối tượng bỏ tiền mua vé. Nếu bảo các em hát nhạc hợp với lứa tuổi thì chỉ giải trí được cho thiếu nhi mà thị trường nhạc thiếu nhi không thể sinh lời ngay và dễ dàng như thị trường của người lớn.
Hình mẫu trẻ em làm giải trí cho người lớn trên thế giới không lạ. Nhưng ở các nước phát triển, luật bảo vệ trẻ em rất chặt chẽ. Quy định rõ ràng về cường độ lao động, loại hình giải trí phù hợp… để đứa trẻ tham gia thế giới giải trí được sống đúng với lứa tuổi. Vì được quản lý chặt, nên trẻ em ra đến công chúng không bao giờ làm gì quá với lứa tuổi.
Đa số nội dung các bài hát của sao nhí nước ngoài là về tình bạn, ví dụ những bài Michael Jackson và nhóm Jackson 5 hát hồi còn nhỏ, dù khán giả của họ là người lớn. Đặc trưng tiếng Anh làm cho người ta có thể hiểu một bài hát theo nhiều cách. Chẳng hạn, “I love you” không nhất thiết là “anh yêu em” mà còn có nghĩa là “tôi thích/quý/mến bạn”.
Để ý chương trình giải trí cho trẻ em nước ngoài, trẻ em đều hát bài đúng tuổi, tuy nhiên cũng có trường hợp lạ. Như cô bé hát opera từ năm 9 tuổi (năm nay 11 tuổi) Jacky Evancho vừa ra album Dream with me. Nhà sản xuất lừng danh David Foster chọn cho cô bé toàn bài khó nhưng về nội dung thì cả trẻ con và người lớn đều nghe được. Có bài như Pray vốn về tình yêu được sửa lại thành tình mẹ con. Hoặc Charlotte Church thời kỳ đầu cũng hát dân ca, về tình cảm gia đình…
Năng khiếu nếu đặt đúng môi trường sẽ phát triển tốt. Nếu không, đến lúc các em lớn lên, hết yếu tố lạ, sẽ dễ bị vắt chanh bỏ vỏ.
Trước đây, hình mẫu “thần đồng” Nguyễn Huy (tức bé Châu) hát nhạc tình, nhảy kiểu Michael Jackson khi mới xuất hiện cũng bị dư luận phản đối, rồi thì người ta cũng quên đi. Nguyễn Huy từng hát trên sân khấu Paris By Night, hiện vẫn đắt hàng ở các tỉnh miền Tây, và tất nhiên vẫn hát nhạc người lớn. Giờ thì Huy không thể trở về tuổi thơ được nữa, mà đã được mặc định là một sản phẩm giải trí cho người lớn.
Việc Nguyễn Huy hấp thụ một xu hướng thẩm mỹ xa lạ với lứa tuổi và làm theo như cái máy đã vô tình tạo ra một loại thẩm mỹ mới, ảnh hướng tới các em nhỏ khác. Khi người lớn dung túng để Huy nổi tiếng theo cách đó, thì có thể những đứa trẻ khác cũng muốn như thế, người lớn muốn con mình như thế, và trẻ em sẽ phát triển lệch lạc. Tóm lại, sự xuất hiện của những “đàn em” Nguyễn Huy như HKT-M hay ACK đã được báo trước.
Trẻ con hát bài người lớn đã không ổn rồi, nhưng trẻ con hát bài trẻ con như HKT-M song lại dùng động tác của người lớn sẽ được đánh giá thế nào?
Hình thức vay mượn động tác của người lớn cũng là để cách diễn của trẻ con phong phú. Không thể bắt trẻ đứng một chỗ nhún nhún mãi. Các em có thể nhảy múa nhưng mức độ như thế nào, đến đâu sẽ có nguy cơ trở thành gợi dục… Ranh giới mong manh lắm.
Luật pháp cần can thiệp
Người lớn thường đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông về việc làm băng hoại nhân cách trẻ em. Nhưng để trẻ tiếp xúc với những sản phẩm văn hóa không phù hợp- trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. Ở Mỹ chẳng hạn, không bao giờ có chuyện để trẻ xem tivi một mình. Có những phim ra rạp quy định trẻ em phải xem cùng phụ huynh.
Ở Việt Nam thì mở một kênh tivi, đứa con chịu ngồi yên một cái là bố mẹ sung sướng đi làm việc khác. Hoặc phó mặc việc đọc của con, cho đến lúc phát hiện nó đọc thứ không phù hợp lại quay ra lên án nhà xuất bản. Khi con cái chưa đủ 18 tuổi, bố mẹ có quyền và nghĩa vụ chọn lọc, theo dõi sản phẩm văn hóa mà con cái tiếp nhận. Không thể đổ tất cả lỗi cho xã hội, vì xã hội có nhiều nhu cầu. Người lớn cũng quyền đọc truyện tranh, và nhà xuất bản có quyền làm truyện tranh cho người lớn.
Khi nào trẻ em làm những điều không đúng với lứa tuổi, bị người lớn lợi dụng kiếm tiền thì luật pháp có quyền can thiệp, trước tiên để bảo vệ chính những đứa trẻ đó. Nếu không được định hướng, rất có thể khán giả nhỏ tuổi sẽ thấy âm nhạc của HKT-M, ACK là hay.
Thẩm mỹ trẻ con thay đổi do xã hội thay đổi. Ngày xưa quá ít phương tiện giải trí, và bố mẹ không bận rộn làm ăn như bây giờ. Xưa cả nhà cùng xem TV rất thân ái, bây giờ một nhà 5-7 cái tivi mạnh ai nấy xem. Thành ra trẻ con bị lệch lạc là điều dễ hiểu.
Cũng có thể trẻ em bây giờ có xu hướng dậy thì sớm, và những đứa trẻ dậy thì sớm sẽ thích hợp với những sản phẩm âm nhạc kia. Nhưng một đứa trẻ chỉ được phép làm những việc giới hạn trong độ tuổi. Nó có thể nghe hoặc hát nhạc người lớn nếu được bố mẹ cho phép. Hoặc nếu nó lén lút nghe thì đấy là sở thích cá nhân và không được phép công khai. Vì như thế sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ phát triển đúng tuổi mà xã hội đang bảo vệ.
Trẻ em tham gia lĩnh vực giải trí phải được đưa vào môi trường thích hợp, được bảo vệ bằng luật pháp chứ không phải chỉ trông chờ vào “hảo tâm” của các ông bầu chỉ biết đến lợi nhuận và lợi dụng kẽ hở luật pháp.