Hé lộ thêm cuộc đời Van Gogh qua những bức thư

TP - Tại viện bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, 40 kiệt tác được ra mắt công chúng lần đầu tiên. Nhưng chúng không phải là tác phẩm hội họa, mà là những bức thư, được viết bởi một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới.
Phác họa tranh The Bedroom (phòng ngủ), kèm trong thư gửi cho Theo 16/10/1888

Thư của Vincent van Gogh cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật. Những bức thư là thứ tiết lộ con người thực của ông. “Ông ấy biết cách nói lên suy nghĩ của mình”, Nienke Bakker, người phụ trách buổi triển lãm nói. “Trước cả khi trở thành một họa sĩ, ông đã có khả năng tạo ra một bối cảnh hay một câu chuyện”.

Hơn 800 bức thư của Van Gogh đã được tìm thấy, và hầu hết chúng đang ở trong viện bảo tàng Van Gogh. Phần lớn bộ sưu tập này là những bức thư ông gửi cho em trai Theo, người tài trợ cho sự nghiệp của ông. “Ông ấy có một lối hành văn rất lôi cuốn”, Bakker nói. “Nó chỉ kể về đời sống hàng ngày của ông, nhưng ông ấy viết theo cách mà tất cả chúng ta có thể dễ dàng nhận ra và liên hệ với đời sống”.

Cuộc đời của Van Gogh đã trở thành một câu chuyện ngụ ngôn về một tầm nhìn mới bị xã hội thời bấy giờ chối bỏ. Khi đọc những bức thư của Van Gogh, ta mới thấy được hiện thực phức tạp hơn ta tưởng nhiều. Đúng vậy, ông gặp rất nhiều rắc rối và là một người khá kì dị. Cả đời ông chỉ bán được đúng một bức tranh. Tuy nhiên, Van Gogh là người tự học rất chăm chỉ - đọc nhiều, biết nhiều, và thành thạo ba ngôn ngữ.

Tự họa Van Gogh (1889)

Vincent viết cho Theo xuyên suốt cuộc đời ông, nhưng những bức thư của họ thực sự bắt đầu năm 1880, khi Vincent quyết định trở thành một họa sĩ. Nếu nhìn một cách khách quan, đây là một ý tưởng điên rồ. Ông đã thất bại ở ba nghề khác nhau: người bán tranh, giáo viên và cha xứ. Ông lúc đó gần như không biểu hiện tí năng khiếu hội họa nào, ông không được giáo dục bài bản về hội họa.

Theo có công việc bán tranh ổn định, nhưng ông không hề quyền lực hay giàu có – chỉ là một nhân viên bình thường. Trong sự nghiệp mười năm của Vincent, trợ cấp theo tháng mà Theo gửi cho ông là nguồn thu nhập duy nhất.

Những bức thư của ông dài và chân thành. Ông viết tới vài lần một tuần. “Vincent cũng là bạn thân nhất của Theo, là người ông cảm thấy gần gũi nhất”, Bakker nói. “Theo là một người rất hòa đồng và ân cần – ông là mọi thứ mà Vincent không có”.

Những bức thư của ông đầy ám ảnh, đồng thời lại vô cùng thân mật. Đọc chúng, bạn sẽ có cảm giác như bạn thực sự quen ông ấy. Ông nói về những tác giả và họa sĩ yêu thích của ông, về tôn giáo và triết học. Ông quan tâm tới những câu hỏi lớn: Tại sao chúng ta lại ở đây? Tất cả mọi chuyện này có nghĩa lý gì?

Thư Vincent gửi cho Theo tháng 8/1882

Ông thành thật và không e sợ, đó là điều khiến những câu từ của ông trở nên rất cuốn hút. “Nhiều người không đồng tình với tôi”, ông thổ lộ “Đối mặt với người khác, nói chuyện với họ, thường gây khó khăn và đau đớn cho tôi”.

“Ông rất tham vọng, đam mê, bốc đồng – không dễ để làm bạn với ông ấy”, Bakker nói, nhưng chính sự hứng khởi gần ngưỡng điên loạn ấy đã biến ông thành một cây bút lôi cuốn.

Vincent gửi tranh mình cho Theo, với hy vọng bán được chúng, nhưng trong một thời gian dài Theo không thể tìm được dù chỉ một người mua.

Theo ủng hộ anh trai mình bởi vì ông yêu và tin Vincent. Ông khuyến khích anh mình được tự do vẽ bất cứ thứ gì ông muốn, theo bất cứ cách nào ông muốn. Ông tin rằng Vincent sẽ được nhớ tới như là “một họa sĩ của họa sĩ” – được cảm kích bởi một số người nhỏ, nhưng sẽ không được công chúng thấu hiểu.

Năm 1886, Vincent rời quê nhà Hà Lan để tới sống cùng Theo ở Paris. Đối với Theo, đó là một cơn ác mộng. “Nhà em gần như không thể chịu đựng được”, ông viết trong một lá thư đau khổ cho chị gái Willemien của họ. “Không ai muốn tới thăm em nữa bởi vì mọi chuyện luôn kết thúc bằng những trận cãi vã”. Sống cùng nhà hai năm ròng, Theo nhận ra Vincent bị bệnh đa nhân cách. “Cứ như anh ấy là hai người khác nhau – một người tài năng đến kiệt xuất, dịu dàng và lỗi lạc, người kia tự cao tự đại và vô tâm”, ông kể với Willemien. “Anh ấy làm cuộc sống trở nên khó khăn không chỉ cho người khác mà cho cả chính mình”.

Nhưng ở Paris, Vincent lại gặt hái thành công, và Theo bắt đầu nghĩ là một ngày sẽ có thị trường cho tranh của anh mình. “Anh ấy chắc chắn là một họa sĩ, và kể cả nếu những thứ anh ấy tạo ra bây giờ không đẹp thì nó ắt vẫn sẽ giúp anh sau này”, Theo nói với chị.

Vào 1888, Vincent rời Paris và chuyển tới Arles ở miền Nam nước Pháp. Chính tại nơi này mọi thứ đâm hoa kết trái – một chuỗi những tác phẩm tuyệt đẹp. “Đôi lúc anh như được khai sáng, khi thiên nhiên hùng vĩ đến nỗi anh gần như không còn nhận thức được bản thân nữa, và những hình ảnh cứ ập đến anh như một giấc mơ”, ông viết cho Theo. Tuy vậy, ông làm việc với một tốc độ điên cuồng đến nỗi không sớm thì muộn ông cũng sẽ bị quá tải, và sự xuất hiện của Paul Gauguin đã đẩy mọi chuyện lên tới đỉnh điểm.

Trớ trêu thay, Theo chính là người sắp đặt cho Gauguin tới ở cùng Vincent. Vincent đã quen Gauguin hồi ở Paris, và giờ khi Vincent sống một mình ở Arles, Theo mong là có bạn thì sẽ giúp nhiều cho ông. Ban đầu hai họa sĩ sống hòa thuận, nhưng sau sáu tuần Gauguin không thể chịu được nữa. Khi Gauguin nói với Vincent là ông sẽ chuyển đi, Vincent đe dọa ông bằng một cây dao cạo sắc lẹm, rồi cắt lìa tai trái chính mình. Theo vội tới Arles để trông nom anh trai, còn Gauguin trở về Paris.

Những bức thư Vincent gửi từ bệnh viện bình tĩnh hơn trước rất nhiều. “Một cách chắc chắn, anh không điên”, ông viết.

“Em đã có bốn cơn hoảng loạn mà em không biết mình đã nói, làm hay muốn gì”, Vincent viết cho người chị Willemien. Tuy vậy, ông vẫn có vẻ có tâm trạng tốt. “Mỗi ngày em dùng phương thuốc mà Dickens đã kê để chống lại việc tự sát. Nó bao gồm một ly rượu vang, một mẩu bánh mì cùng phomai, và một điếu thuốc lá”. Phương thuốc của Dickens đã trì hoãn cái chết của Vincent thêm một năm nữa. Năm ấy, ông hoàn thành hàng trăm bức tranh. Trong vài tháng cuối đời, trung bình ông vẽ một bức một ngày.

Trong khi đó, ở Paris, Theo đã trở thành người tiên phong trong việc quảng bá một nhóm họa sĩ mới theo trường phái ấn tượng. Dù tranh của Vincent khác họ, nó vẫn giống ở tính cách tân, và vì thế được hưởng ứng bởi nhiều người theo trường phái ấy. Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng của Pháp Albert Aurier đã viết một bài báo ca ngợi tranh của Vincent. Có vẻ như cuối cùng, mọi thứ cũng đi đúng hướng cho ông.

Tuy nhiên, Vincent lại chính là kẻ thù lớn nhất của ông. “Xin hãy yêu cầu ngài Aurier đừng viết thêm bài nào về tranh của anh nữa”, ông viết cho Theo. “Anh thực sự thấy quá đau khổ để có thể đối mặt với công chúng”. Vào 27/7/1890, ông tự bắn vào ngực mình. Theo vội đến bên ông. Vincent qua đời hai ngày sau đó. Trong túi áo ông là một bức thư viết dở dành cho Theo.

Theo mất chỉ sáu tháng sau do bệnh giang mai. Di sản của Vincent có lẽ đã chết theo ông, nếu không nhờ vợ Theo, bà Jo. Bà trở thành người lưu giữ sự nghiệp của Vincent – không chỉ riêng tranh ông mà cả những bức thư. Trích đoạn từ chúng được đăng trong nhiều tạp chí khác nhau, và vào 1914, bà xuất bản tuyển tập bằng tiếng Hà Lan và tiếng Anh. “Bà ấy muốn mọi người có thể hiểu Vincent như một con người – chứ không phải chỉ là họa sĩ”, Bakker nói. Cùng năm xuất bản sách, bà chuyển thi hài Theo từ Utrecht, Hà Lan tới Auvers, Pháp để yên nghỉ bên cạnh Vincent.

Jo mất năm 1925, và bộ sưu tập tác phẩm Vincent của bà được con trai Vincent Willem thừa kế, người sinh ra chỉ vài tháng trước khi Vincent qua đời. Năm 1973, bộ sưu tập này tìm được ngôi nhà mới ở viện bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam.

Đọc thư của Vincent hôm nay, 130 năm sau cái chết của ông, chúng giống như lời tiên tri. “Anh sẽ rất ngạc nhiên nếu tranh của anh không bán chạy được như của những người khác – dù điều đó xảy ra bây giờ hay sau này, anh cũng không quá bận tâm”, ông viết cho Theo. “Với anh, việc anh có một cuộc đời ngắn hay dài cũng không quan trọng”. Ông cũng khôn ngoan khi biết rằng một nghệ sĩ đã qua đời sinh lợi hơn nhiều so với một người còn sống. "Mọi người trả nhiều tiền hơn cho một tác phẩm khi người vẽ đã chết."

Nhưng nổi bật hơn cả là tình yêu ông dành cho em trai mình. “Anh ước gì, ở cuối con đường đời này, chúng ta có thể đi dạo đâu đó cùng nhau, cùng nhìn lại, và nói rằng “Chúng ta đã làm những điều này”, ông nói với Theo. Cả hai đều hiểu rằng họ là một cặp đôi – người sáng tạo và người quản lý, hai anh em đối đầu với thế giới. “Em không biết anh ấy đã giúp anh nhiều đến mức nào, cách anh ấy khơi dậy những điều tốt đẹp trong anh”, Theo nói với Jo. Và kết cục, linh cảm của ông là đúng, dẫu cho ông không được chứng kiến nó đi chăng nữa. Năm 1880, mua tranh của Vincent Van Gogh nghe như một sự phí phạm – 140 năm sau, đó hóa ra lại là khoản đầu tư đáng giá nhất trong lịch sử nghệ thuật đương đại.