Hé lộ phía sau thương vụ bán vốn Vinamilk

TP - Năm 2017 kinh tế thế giới  có nhiều diễn biến khó lường nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn bởi Chính phủ đang chuẩn bị bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước để tăng ngân sách và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Thương vụ bán 9% vốn Nhà nước tại Vinamilk của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là deal (giao dịch) lớn nhất Đông Nam Á năm 2016. Câu chuyện bán vốn tại Vinamilk có gì đặc biệt để học và rút kinh nghiệm?
Thương vụ bán vốn Vinamlik khai mở con đường bán vốn tại nhiều DNNN năm 2017.

Phí môi giới: bằng góc nhỏ tin đồn

Thương vụ bán 9% vốn Nhà nước tại Vinamilk của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là deal (giao dịch) lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016 và được thực hiện chỉ trong thời gian 2,5 tháng –ngắn kỷ lục so với thông lệ quốc tế. Một trong những “tin đồn” đầu tiên của lần bán vốn khi ấy là phí tư vấn với lời đồn “âm ỉ:, mức phí cao  tiêu tốn của Nhà nước tới cả chục tỷ đồng.

Phản hồi, đại diện SCIC khẳng định: không có chuyện đó. Thậm chí sau này, tất cả đều bất ngờ vì trên thực tế phí tư vấn quá... rẻ. Cụ thể, chia sẻ với Tiền Phong, bà Đặng Thu Hà, Phó Ban đầu tư 3 của SCIC, đơn vị trực tiếp tham gia cho biết: “Thông lệ quốc tế một giao dịch 1 tỷ USD chi phí tư vấn sẽ rơi vào khoảng 1% (áp vào vụ bán vốn VNM ít nhất sẽ là 10 triệu USD tương đương hơn 200 tỷ đồng). Lúc chúng tôi mới công bố mời tư vấn, một số nhà tư vấn cũng chào giá rất cao. Cùng thời điểm đó có 7 nhà tư vấn nộp hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi bàn tính kỹ SCIC tính toán chi phí tư vấn phải ở mức thật tiết kiệm cho Nhà nước. SCIC cân nhắc và quyết định dự trù kinh phí là 450 triệu - đồng thời hỏi tư vấn có chấp thuận không, bất ngờ là các tư vấn đều gật đầu ưng thuận.”

Không có quyết định của Chính phủ thì kết quả thoái vốn không được như thế. Thời điểm đó rất khó khăn nhưng chúng  ta vẫn cố gắng và kiên định, cuối cùng đã bán được giá tốt. Đó cũng là nỗ lực của SCIC, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan.

Ngày 13/1, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết

Theo đó, SCIC đã lựa chọn đơn vị tư vấn để bán cổ phần là Liên danh tư vấn gồm: Công ty Morgan Stanley Asia (Singapore) Limited (Morgan Stanley), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Việt Nam (VinaCapital), trong đó Morgan Stanley là tư vấn đứng đầu Liên danh. Cùng thời điểm, trang Financial Times đưa tin: Morgan Stanley chấp nhận khoản phí 25.000 USD cho giao dịch chào bán cổ phiếu của Vinamilk trị giá hơn 800 triệu USD. Hầu hết đều bất ngờ vì đây là con số quá khiêm tốn so với khoản phí kỷ lục 120 triệu USD họ vừa nhận được sau khi tư vấn cho thương vụ sáp nhập trị giá 66 tỷ USD giữa Monsanto và Bayer và cũng thấp kỷ lục so với mức phí 1% trên tổng giá trị thương vụ ( tất nhiên có kèm theo giới thiệu nhà đầu tư) trên thế giới.

Lý giải cho mức phí “hời” này, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐTV của SCIC cho rằng, Vinamilk là doanh nghiệp lớn, đây cũng là lần đầu Nhà nước tổ chức bán vốn lần thứ 2 theo thông lệ quốc tế, nên chắc chắn các bên tư vấn coi trọng uy tín hơn chi phí.

Tránh xa lợi ích nhóm

Tròn 3 tháng kể từ ngày Chính phủ phê duyệt đề án bán vốn đến khi kết thúc, đại diện SCIC tính nhẩm: đơn vị này đã ra hơn chục lần cả thảy văn bản ký gửi báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ; chưa kể những lần lãnh đạo doanh nghiệp này trực tiếp lên gặp và báo cáo Thủ tướng.

Để minh bạch, thông tin về bán đấu giá cổ phần Vinamilk được công bố rộng rãi cả ở thị trường ngoài nước. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, các báo chuyên ngành về kinh tế đầu tư của quốc tế, tổng công ty đã tổ chức 3 buổi roadshow ở 3 thị trường lớn là Singapore, Hồng Kông và London với gần 100 nhà đầu tư tham gia thảo luận trực tiếp chưa kể buổi gặp 100 nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày 13/1, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết.

Cái khó trong đợt bán vốn Vinmamilk lần này là nhà nước chưa có quy định và các văn bản hướng dẫn, do đó SCIC phải vừa làm vừa ký nhiều văn bản mang tính trách nhiệm. “Chúng tôi xác định làm như Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói - bán vốn Nhà nước một cách không khai, minh bạch; kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối. Để chủ động, SCIC đã mời các cơ quan, bộ ngành có liên quan vào giám sát như Ban đổi mới Doanh nghiệp Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, thậm chí cả cơ quan an ninh tài chính tiền tệ. Mọi thứ đề có giám sát rõ ràng”, ông Chi kể lại.

Trò chuyện với PV Tiền Phong, ngay sau roadshow tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (Hose) cho biết suốt quá trình tiến hành các bước tại thương vụ này, Hose luôn sát cánh với SCIC. “Chúng tôi xác định phải minh bạch và làm đúng pháp luật vì lợi ích chung của Chính phủ, Quốc gia. Lần bán vốn Vinamilk rất quan trọng vì khai mở quy trình cho những lần thoái vốn Nhà nước về sau.”, ông Dũng nói. 

Đem về cho Nhà nước thêm hơn 700 tỷ

Như thông tin công bố đã đưa, ngày 12/12/2016, tại Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh diễn ra lễ chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Vinamilk. Kết thúc, có 2 tổ chức nước ngoài tham gia đăng ký mua 5,4% cổ phần Vinamilk là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing, tương đương 78.378.300 cổ phiếu, chiếm 60% tổng số lượng cổ phần Vinamilk được phía SCIC chào bán.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính trên thị trường, trong điều kiện thị trường trong nước và quốc tế nhiều biến động như hiện nay, việc bán được cổ phần với giá trị lớn nhất  với giá cao hơn giá thị trường là một thành công. “Với mức giá khởi điểm 144.000 đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã chi tối thiểu 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD để nắm giữ “cổ phiếu vàng” này. Mức giá lập tức mang lại lợi nhuận cho bên bán (SCIC) 6,7% trên giá thị trường (hơn 700 tỷ)”- VinaCapital nhận định

Bình luận về thương vụ, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công ty chứng khoán SSI cho rằng: “Thoái vốn tại Vinamilk là một nhiệm vụ khó khăn và bên bán có nhiều mục tiêu tham vọng. Nếu một trong các mục tiêu thay đổi, khả năng chúng tôi bán hết là rất cao. Tuy nhiên, đối với Chính phủ, Vinamilk là một tài sản tốt, một công ty hàng đầu ở Việt Nam và Chính phủ không có ý định bán bằng mọi giá.”

“Năm 2017 kinh tế thế giới sẽ có nhiều diễn biến khó lường nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn bởi Chính phủ đang chuẩn bị bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước để tăng ngân sách và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Tại thời điểm này, Thủ tướng vừa ký phê duyệt đề án cổ phần hoá hàng loạt doanh nghiệp lớn. Câu chuyện bán Vinamilk chắc chắn sẽ là “giáo trình” để các doanh nghiệp lớn như Habeco, Sabeco hay hàng loạt ông lớn doanh nghiệp nhà nước khác phải học hỏi  nhiều điều”, một chuyên gia tài chính bình luận.