Sở nói quận không chấp hành, quận bảo chưa biết
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này, như việc chậm thành lập Ban quản trị, chậm bàn giao hồ sơ, bàn giao quỹ bảo trì 2%... Nhiều tòa nhà khi thành lập được Ban Quản trị rồi thì lại xảy ra mâu thuẫn với chính người dân, dẫn đến khiếu kiện, căng thẳng kéo dài...Ông Dục cũng cho biết, Sở Xây dựng đang phối hợp với một số cơ quan chức năng nghiên cứu phương án tham mưu cho UBND thành phố có cơ chế cưỡng chế các chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.
Riêng về vấn đề thu hồi diện tích kinh doanh của quỹ nhà chung cư tái định cư, ông Dục cho biết, Sở đã cố gắng làm, tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số quận, huyện không vào cuộc. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các quận, huyện tập trung giải trình về vấn đề này. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, quận đã hoàn thành 5 quyết định kỷ luật cán bộ và cưỡng chế. Để thực hiện việc cưỡng chế, quận đã phải thuyết phục nhiều và dùng nhiều biện pháp như cắt điện, cắt nước, xây dựng kế hoạch, vận động tổ dân phố, khu dân cư. Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh thông tin việc thu hồi diện tích kinh doanh của quỹ nhà chung cư tái định cư, sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục làm. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc hỏi lại, trên địa bàn quận có bao nhiêu điểm cần thu hồi. Ông Tuấn Anh nói mới nghe, sẽ tiếp thu. Bà Ngọc nhận định, đến nay quận mới nghe, mới biết, rõ ràng chưa đồng bộ. “Ở trên thì bảo dưới chưa chấp hành. Ở dưới thì bảo chưa biết. Phải rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành công việc”, bà Ngọc nói.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chậm
Xung quanh công tác vận hành, quản lý chung cư, trả lời những chất vấn của đại biểu HĐND về công tác PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, liên quan đến 79 công trình chung cư vi phạm PCCC, thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, giải quyết,khắc phục. Đến 30/6 đã giải quyết được 55 công trình dự án, đã được nghiệm thu. Còn 24 công trình còn tồn tại vi phạm, qua đôn đốc, có 10 công trình các chủ đầu tư đang tích cực khắc phục, tiến độ đạt khoảng 70%. Vì liên quan thay đổi mục đích, công năng sử dụng, có những công trình thay đổi cả kết cấu xây dựng, nên phải báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo ông Định tính thêm 3 công trình của năm 2017, đến nay, đã chuyển hồ sơ 8 công trình vi phạm về PCCC sang cơ quan điều tra. Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến tranh luận lại với Thiếu tướng Hoàng Quốc Định. Đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu, trước đây, Giám đốc Cảnh sát PCCC thông tin, nếu sau ngày 30/6, các chung cư không hoàn thành việc khắc phục vi phạm PCCC thì sẽ kiên quyết chuyển cơ quan điều tra, vậy tại sao có tình trạng chậm trễ? Ông Duy Hoàng Dương, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cũng đặt câu hỏi về việc bàn giao hồ sơ sang cơ quan điều tra rất chậm.
Tuy nhiên, ông Định cho rằng, vấn đề vi phạm PCCC nhìn ở góc độ pháp lý chủ yếu là vi phạm hành chính. Nếu xảy ra vi phạm chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì rất khó xử lý hình sự. “Chúng tôi cũng đặt vấn đề với cơ quan điều tra, soi xét nhiều nội dung với nhiều chủ đầu tư, kể cả về sai sót, khuất tất trong thực hiện nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm với cư dân, soi xét có những yếu tố, những dấu hiệu hình sự thì kiên quyết nhất để xử lý”, ông Định nói.