> Hà Anh tự tin 'xuất chiêu' sau Cặp đôi hoàn hảo
> Xáo xới tính chuyên nghiệp trong hoạt động âm nhạc
Gần 20 năm về trước, những công chúng yêu nhạc Việt như tôi luôn được thưởng thức những ca khúc nhạc nhẹ rất hay về tình yêu đôi lứa như Chia tay hoàng hôn, Bên em là biển rộng, Chị tôi, Tình cờ, Chim sáo ngày xưa, Nỗi nhớ dịu êm… do những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thanh, Thu Phương, Lam Trường, Quang Linh thể hiện.
Đó là những ca khúc đã đi vào lòng công chúng và đến giờ tôi tin vẫn còn được nhiều người yêu thích và nhớ đến!
Thật sự mà nói quá nhiều bài hát Việt hiện nay tôi không đủ kiên nhẫn để có thể ngồi nghe từ đầu chí cuối một bài. Nhiều ca khúc nhạc trẻ viết về tình yêu đôi lứa với ca từ nghe rất ngượng ngùng, nếu không nói là bát nháo chịu không nổi, dường như trong nhiều sáng tác các tác giả không cần phải bỏ nhiều trí tuệ, công sức để cho ra đời “đứa con tinh thần”, cũng như không cảm thấy tác phẩm là nơi trau dồi đạo đức nghề nghiệp của mình?!
Nhiều ca khúc về tình yêu quanh đi quẩn lại vẫn là những kiểu yêu rỗng tuếch như Người con gái kia oh...oh... đã khiến ta giờ phải nhớ thương trong lòng, người con gái kia đã khiến ta giờ thành kẻ bướm hoa… (Kẻ bướm hoa). Hoặc cũng chỉ là những thứ tình yêu yêu một lúc hai, ba, bốn, năm cô trong một lời bài hát do ca sĩ Uyên Trang trình bày...
Có thể nói cụm từ “thảm họa nhạc Việt” trong thời gian gần đây được công chúng nhắc đến nhiều nhất bởi thị trường nhạc Việt chứng kiến sự ra đời của rất nhiều ca khúc được xem là “thảm họa”. Một trong những “thảm họa” mở đầu là ca khúc Vọng cổ teen do Vĩnh Thuyên Kim trình bày, thế nhưng cũng hết sức bất ngờ khi ca khúc này đã lọt vào top 10 ca khúc được yêu thích nghe nhiều nhất trên mạng và còn đạt được một giải thưởng âm nhạc. Kế tiếp là ca khúc“Da nâu của Phi Thanh Vân, mặc cho dư luận, công chúng phản đối, ném đá dữ dội cô lại tiếp tục hát Tâm hồn vĩnh cửu, bài hát nhanh chóng được truy cập hàng triệu lượt trên mạng…
Mới đây ca khúc rap Rắc rối trong video clip của Karik gây tranh cãi khi dùng nhiều cụm từ thô tục, tự nhiên chủ nghĩa. Điều đáng nói là video clip này đang chiếm giữ vị trí top 10 video được yêu thích của Giải thưởng video âm nhạc Việt trên kênh MTV Việt hóa.
Bất cứ một nền âm nhạc của một quốc gia nào cũng có những thứ âm nhạc được gọi là “thảm họa” hoặc “rác” song hành cùng với những ca khúc mang giá trị nghệ thuật đích thực, và việc phải làm cách nào đó để hạn chế nó ít xuất hiện hoặc loại trừ ra khỏi đời sống âm nhạc là điều đáng để bàn và suy ngẫm.
Mới đây Trung Quốc cũng đã có chiến dịch xóa sổ những ca khúc được cho là “thảm họa” đang phát tán trên mạng. Công chúng yêu nhạc Việt cũng rất mong những việc làm thiết thực từ hội âm nhạc các cấp trong vấn đề quản lý mọi mặt của đời sống văn hóa và những người có trách nhiệm để làm trong sạch nhạc Việt hiện nay.
Đương nhiên những kiểu sáng tác bài hát mà công chúng, dư luận xã hội đã và đang gọi là “rác”, là “thảm họa nhạc Việt” của những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ quả nhiên là chính họ đang tự “đào hố chôn mình”!
Theo Nguyễn Đước
Tuổi trẻ