“Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ đã không phải chiến đấu với một đối thủ có năng lực làm gián đoạn đáng kể hệ thống hậu cần của quân đội hay việc triển khai nhân lực, vật lực”, một báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng Mỹ (DSB) nói, theo tường thuật của Reuters.
Do đó, hệ thống logistics của Bộ Quốc phòng Mỹ đã “bị bỏ quên và thường xuyên trong tình trạng thiếu kinh phí”.
Và việc này đã dẫn đến các hậu quả. Thiếu nhân sự, nguồn lực, “việc phát triển các chiến thuật tiên tiến và công nghệ không có cơ hội triển khai”, chủ tịch DSB Craig Fields nói trong báo cáo.
“Các lực lượng vũ trang thấy rằng sự thiếu hụt đó, nếu không được giải quyết, sẽ khiến năng lực triển khai binh lực và duy trì sức chiến đấu trước các đối thủ chiến lược của Mỹ gặp vấn đề nghiêm trọng”, hai tướng về hưu Paul Kern và Duncan McNabb viết trong báo cáo.
“Hệ thống quân đội và thương mại dễ bị tổn thương trước các hoạt động do thám và tấn công… Các giải pháp công nghệ đối với những vấn đề này đã có, hoặc sẽ có trong tương lai. Bộ Quốc phòng cần phải chấp nhận chúng nhanh chóng”, hai vị tướng viết. Báo cáo này không đề cập chi tiết về chi phí hiện đại hóa các cơ sở hậu cần.
Trong quân đội Mỹ, Cơ quan hậu cần Quốc phòng (DLA) chịu trách nhiệm mua bán trang thiết bị, phụ trách quân nhu, điều phối các hệ thống kho vận, phân phối và vận chuyển quân nhu như vũ khí, nhiên liệu, thuốc men, quân phục….
DLA còn phụ trách việc cấp phát các hàng hóa phục vụ mục đích nhân đạo tới những vùng bị ảnh hưởng thiên tai địch họa, theo Sputnik.