Hạnh phúc của người đàn ông “nhặt vợ” giữa Thủ đô

Ở cái tuổi “gần đất xa trời” tưởng rằng sẽ cô đơn đến hết đời thì ông “nhặt” được vợ. Hạnh phúc của đôi bạn già đã chứng minh được rằng, tình yêu không bao giờ là muộn khi gặp đúng người, đúng thời điểm.
Ông Phạm Ngọc Sơn và bà Chu Thị Mận tình cảm mặn nồng sau 17 năm chung sống. Ảnh nhân vật cung cấp

Gần 70 tuổi mới “góp gạo thổi cơm chung”

Chủ nhân của câu chuyện tình đó là ông Phạm Ngọc Sơn, 85 tuổi (Nghĩa Hưng, Nam Định) và bà Chu Thị Mận, 78 tuổi (Vĩnh Hồng, Ninh Giang, Hải Dương). Hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung sự bất hạnh đã kết nối họ ở chốn phồn hoa đô hội.

Chúng tôi gặp ông Sơn trong một buổi chiều dưới cái nắng oi ả của mùa hè khi ông đang ngồi quán trà đá trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội), bà Mận đã về quê giỗ bố.

Mặc dù chỗ ở cách xa nhưng theo thói quen ông thường ra đây ngồi. Đó là người đàn ông có dáng người nhỏ thó, đôi mắt hiền hậu, nói chuyện nụ cười không bao giờ ngớt trên khuôn mặt.

Nay, tuổi đã cao, sức khỏe suy yếu, ông Sơn khó khăn trong từng bước đi. Ông bảo, chỉ đi được khoảng 200m là phải dừng lại, không sẽ ngã vì chóng mặt. Hiện, ông muốn đi đâu phải gọi xe ôm. Cuộc đời của ông như một thước phim quay chậm qua chính lời kể của chính mình.

Giờ đây sức khỏe ông Sơn yếu ông phải đi xe ôm đến quán trà đá gần trạm chắn. Ảnh: Ngọc Thi.

Trước khi dọn về ở với nhau, ông Sơn, bà Mận đã có gia đình riêng. Hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nỗi bất hạnh. Ông Sơn là trẻ mồ côi sống ở một làng quê nghèo ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Hồi nhỏ, ông sống cùng người chú họ. Năm 17 tuổi, chiến tranh diễn ra, ông viết thư xung phong nhập ngũ, phục vụ đất nước.

Đến năm 1954, ông công tác ở Trung đoàn 46 của tỉnh đội Nam Định. Những tháng ngày học tập và chiến đấu, ông quen và đem lòng yêu người con gái cùng quê, ít hơn mình gần 10 tuổi. Trước sự chúc phúc của đồng đội và bà con nhà gái, đám cưới bình dị của họ diễn ra. Ông nhớ, lúc đó là năm 1962.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, bỏ lại tổ ấm, ông đầu quân vào Sư đoàn F304. Hòa bình lập lại, may mắn hơn nhiều đồng đội, ông sống sót trở về. Như bao chàng trai xa gia đình, ông Sơn hân hoan về đoàn tụ cùng vợ con.

Chiến tranh không lấy đi tính mạng nhưng nó lấy đi của ông nhiều thứ quan trọng. Ông trở về với 5 vết thương trên người, có mảnh đạn trong đầu, cứ trái gió trở trời nó lại hành hạ ông. Nhưng nỗi đau đó không thấm tháp gì khi ông nhận tờ giấy xét nghiệm kết luận mình không còn khả năng làm bố.

Tình cảm của hai ông bà cũng nhạt nhòa từ đó, người vợ của ông có nhân tình. Quá đau buồn, ông Sơn bỏ quê lên Hà Nội xây dựng cuộc sống mới. Tại đây, ông được đồng đội giới thiệu làm bảo vệ tại trạm chắn tàu ở trên đường Nguyễn Thái Học.

Nói về người vợ cũ, ông bảo: “Tôi không ghét bỏ cũng không hận bà ấy. Nhiều lúc suy nghĩ chỉ thấy buồn. Khi đó, tuổi đời cả hai còn quá trẻ, tôi không thể giữ bà ấy bên mình. Người phụ nữ ấy xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Với đồng lương hưu ít ỏi cộng với số tiền kiếm được từ việc làm bảo vệ ông chắt bóp sống qua ngày. Công tác ở trạm chắn, ông Sơn thấy người đàn bà gầy còm hằng ngày bán cua, bán ốc gần đường ray. Qua tìm hiểu, ông biết cả ngày bà kiếm được khoảng 30 nghìn đồng, tiền đi xe ôm đã mất 15 nghìn đồng. Để ý thấy bà khổ đến mức không được ăn bữa cơm tử tế, chỉ ăn bánh mỳ, bánh rán.

Thương cảm với hoàn cảnh khốn khó, mỗi ngày ông đưa cho bà bán hàng nước gần trạm 20 nghìn đồng để đưa cho người phụ nữ tội nghiệp. Thấy ông thương người lại chỉ sống một mình, còn người phụ nữ đó cũng bơ vơ, anh em trong ga bảo ông ngỏ lời đem bà về sống cùng. Phần vì có người bầu bạn tuổi già, một phần phòng ngừa ốm đau còn có người trông nom.

Nghe cũng thấu tình đạt lý, ông Sơn ngỏ ý muốn người đàn bà đó về sống với mình. Nhưng trước tấm chân tình của ông, bà im lặng, lăn những giọt nước mắt trên má. Phải có sự tác động của chị Nguyễn Thị Ly, người gác ga cùng thuyết phục thì bà mới xuôi. Năm 1999, Không giấy tờ đăng ký kết hôn, không thủ tục rườm rà, hai ông bà dọn về ở cùng nhau. Khi đó, ông Sơn 68 tuổi, bà Mận cũng đã trải qua 61 mùa xuân.

Ham làm việc thiện

Cuộc sống của họ, có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Về ở với nhau ông Sơn mới biết hoàn cảnh của người đàn bà tội nghiệp. Bà là Chu Thị Mận, quê ở Hải Dương, lập gia đình từ năm 18 tuổi và đã có một cô con gái. Năm 30 tuổi, bà Mận vào Tây Nguyên với chị gái rồi vào làm việc tại nông trường chè Hoàng Liên Sơn.

Thời gian bà Mận làm ăn xa nơi đất khách, ở nhà người chồng ở nhà đã đơn phương làm thủ tục ly hôn. Nghe lời chị gái chê trách bà Mận không biết đẻ con trai, ông chồng dẫn một người đàn bà về nhà sinh sống. Ngày bà trở về, ngỡ ngàng thấy chồng ôm ấp người phụ nữ khác, hơn nữa họ còn có con với nhau. Bạc bẽo không chút tình người, chồng bà cướp luôn quyền nuôi con.

Mất chồng, mất con, bà Mận hành hương lên Hà Nội để quên đi nỗi đau. Ban ngày đi mò ốc ở Hồ Tây, chiều tà đêm về bán tại vỉa hè Nguyễn Thái Học, tối ngủ bên gốc cây bàng quanh đó. Nhiều lần bà bị bọn nghiện cướp hết mấy đồng bạc lẻ trong người.

Ông Sơn cẩn thận lưu giữ sổ sách ghi chép hoạt động từ thiện của mình. Ảnh: Ngọc Thi.

“Ban đầu, chúng tôi đến với nhau không phải bằng tình yêu mà là sự đồng cảm của hai mảnh đời bất hạnh. Về ở với nhau bầu bạn tâm sự, cùng trải lòng chúng tôi càng thân thiết rồi mới nảy sinh tình yêu”, ông Sơn tâm sự.

Kể từ ngày hai ông bà dọn về ở chung dù thiếu thốn về vật chất nhưng ở đó chứa đựng sự quan tâm, chia sẻ. Hàng ngày, ông bà kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sáng sớm bà nhặt rác còn ông Sơn Mận đi làm gác chắn tàu.

Hạnh phúc của ông bà hòa lẫn trong khốn khó. Hai năm gần đây, căn bệnh tắc mạch máu lưu thông lên não ngày một nặng, ông Sơn thường xuyên ngất xỉu nên nghỉ làm. Lo lắng cho ông, bà Mận không thể đi xa nhặt rác.

Nửa đời phục vụ kháng chiến, theo chế độ, ông Sơn được phân một gian nhà nhỏ 34m2 ở Cổ Nhuế. Nhưng ông không ở mà nhường lại cho anh Đặng Văn Hải, một kỹ sư điện, có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi hai ông bà đi ở trọ ở ngõ 52 Linh Quang. Ông tính sẽ biếu ngôi nhà đó cho anh.

Nói về anh Hải, ông nghẹn ngào: “Vợ nó mất sớm, nó một mình nuôi 3 đứa con thơ. Tôi ốm đau thì có nhà nước lo, cùng lắm ngủ ở bệnh viện. Những đứa trẻ cần một mái nhà hơn tôi”.

Khó khăn thì không kể xiết, phải kiếm cơm từng ngày, thế mà hai ông bà lại ham làm việc thiện giúp đời. Hồi còn khỏe, ông Sơn đi vận động người dân quyên góp quần áo để gửi lên cho trẻ em nghèo vùng núi. Hai ông bà động viên những mảnh đời nghiện ngập trú ngụ ở đường ray Nguyễn Thái Học từ bỏ ma túy.

Hơn 17 năm qua đi, họ không có chuyện tình lãng mạn nhưng tình cảm của họ dành cho nhau khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhận xét về người “vợ nhặt”, ông Sơn nhoẻn miệng cười hiền từ bảo: “Bà ấy hiền lành như cục đất, chả bao giờ cãi tôi nửa lời. Thấy tôi ốm bà chăm từ bữa ăn, giấc ngủ. Hiện giờ tôi sợ tôi chết trước, bà ấy phải sống một mình. Nhiều lần tôi khuyên bà ấy về quê sống cùng anh chị em ở Hải Dương mà bà không chịu”.

Theo Theo Báo Gia đình & Xã hội