Trung Quốc:

Hàng vạn người tàn phế vì giải phẫu thẩm mỹ

TP - Mấy năm gần đây, các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ, thẩm mỹ viện…mọc lên như nấm ở các đô thị Trung Quốc. Các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ trái phép này mặc sức hoành hành khiến hàng chục ngàn gương mặt của phụ nữ, phần lớn là các cô gái trẻ bị tàn phá, không ít người bị chết oan uổng.
Ngôi sao Lý Dĩnh Chi trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Mấy ngày vừa qua, thông tin về một cô gái trẻ suýt chết do phẫu thuật mài xương thu gọn khuôn mặt tràn ngập các báo và cả sóng truyền hình Trung Quốc, gây chấn động dư luận. Đó là Tiểu Mộng, một cô gái ở Trịnh Châu (Hà Nam) cho rằng khuôn mặt mình quá rộng, không đẹp nên đã đến Thẩm mỹ viện (TMV) Thời Quang để tư vấn làm đẹp.

Bác sỹ giới thiệu và khuyên cô làm phẫu thuật mài xương, gọt cằm. Tiểu Mộng đồng ý, không ngờ khi gọt xương, bác sỹ đã bất cẩn làm vỡ động mạch, máu phun ra không cầm được. Tiểu Mộng được đưa ngay vào bệnh viện lớn kề đó để truyền 3 lít máu mới giữ được mạng sống. Khi thanh tra TMV Thời Quang, phát hiện ra tuy được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng không được phép làm thủ thuật mài xương, gọt cằm.

Tiểu Mộng không phải là trường hợp duy nhất gặp sự cố khi đi làm đẹp ở Trịnh Châu. Năm 2012, Tiểu Hồng được bạn bè giới thiệu đến cơ sở chỉnh hình của Khuất Tiểu Lệ để nâng mũi. Đích thân bà giám đốc Khuất Tiểu Lệ làm thủ thuật tiêm chất lỏng trong suốt có tên là Hyaluronan (Hyaluronic acid). Tiểu Hồng đã phải trả 30 ngàn tệ (105 triệu VNĐ) cho 7 mũi tiêm.

Không ngờ, mấy ngày sau cả khuôn mặt cô bị sưng tấy, mũi phồng to, mí mắt xuất hiện túi thịt lớn trĩu xuống. Suốt hai năm trời Tiểu Hồng tìm bà Khuất để bắt đền thì bà ta giải thích có túi thịt là bởi “cơ thể quá nóng, độc tố tích tụ”, chỉ cần nặn ra, uống ít thuốc giải nhiệt tiêu viêm là ổn. Tháng 3/2015, thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng, Tiểu Hồng đã nhờ báo chí phản ánh lên cơ quan giám sát y tế. Qua thanh tra cho thấy Khuất Tiểu Lệ luôn rêu rao là “Tiến sỹ, chuyên gia hàng đầu châu Á về chỉnh hình”, thực ra không có bằng cấp gì về y tế, hành nghề trái phép.

Tiểu Mỹ, cô gái 24 tuổi có gương mặt ưa nhìn, yêu mấy người, nhưng cứ gần đến ngày cưới là đối phương “bỏ của chạy lấy người”. Bạn cô đưa đi gặp một thày xem tướng giỏi lại biết cách thay đổi vận mệnh. “Lưu đại sư” xem tướng cho Tiểu Mỹ rồi phán: đường tình không thuận do huyệt Thái dương không đủ đầy, chỉ cần tiêm Hyaluronan vào cho đầy là được. Tiểu Mỹ vui mừng đồng ý. Ba ngày sau khi tiêm, khuôn mặt cô sưng tấy, mãi không trở lại bình thường. Cô lo lắng đến bệnh viện lớn để khám thì các bác sĩ cho biết: cô bị tiêm Polyamide, một chất gây ung thư đã bị cấm sử dụng.

Khi bị gọi lên điều tra, “Đại sư Lưu” chối biến việc mình điều trị cho Tiểu Mỹ, nói công ty của ông ta làm nghề tư vấn, không kinh doanh phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, khi khám xét trụ sở, cảnh sát đã tìm thấy thiết bị y tế và cả chất Polyamide. Khi đó Lưu mới thừa nhận đã hành nghề chỉnh hình trái phép…

Ngôi sao Củng Tân Lượng bị gọi là Xà tinh sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo Cục giám sát quản lý y tế thành phố Trịnh Châu, ở đây có hơn 60 cơ sở phẫu thuật chỉnh hình, thẩm mỹ viện có đăng ký hợp pháp, nhưng thực tế có tới trên 200 cơ sở đang hoạt động, có nghĩa là khoảng 140 cơ sở chui, trái phép. Sở dĩ các cơ sở chỉnh hình, phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm do nhu cầu làm đẹp của phụ nữ cao, lại dễ kiếm tiền. Đơn cử như thủ thuật hút mỡ để giảm béo được quảng cáo là “không đau đớn, hiệu quả cao”: “hút một chỗ giá 2 ngàn tệ (7 triệu VNĐ), bỏ ra 20 ngàn tệ hút 10 chỗ toàn thân là người thon thả ngay”.

Một bản báo cáo thống kê của Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc cho biết: mấy năm gần đây, lĩnh vực giải phẫu thẩm mỹ, chỉnh hình đã trở thành điểm nóng khiếu nại. 10 năm qua mỗi năm bình quân nhận được 20 ngàn đơn khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng phản ánh bị hỏng mặt do dao kéo của các lang băm, 10 năm qua có khoảng 200 ngàn phụ nữ bị tàn phá gương mặt.

Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng đã xuất hiện, như vụ “Top 10 The Voice Vương Bối bị chết khi giải phẫu thẩm mỹ” năm 2010 hay các vụ “nữ công chức Thượng Hải sang Hàn Quốc chỉnh hình bị biến dạng khuôn mặt”, “Cô gái trẻ đi tiêm nâng mũi bị mù mắt”, “đi tiêm chữa má phính bị hỏng mặt”… được các báo đăng tải mới đây, cho thấy vấn đề đã trở nên rất nghiêm trọng, không thể xem nhẹ được nữa. Trong đó cái chết của Vương Bối gây chấn động nhất. Cô gái sinh năm 1986 này từng lọt vào Top 10 cuộc thi hát The Voice năm 2005.

Rất xinh đẹp, nhưng Vương Bối cảm thấy gò má hơi cao, cằm chưa đủ quyến rũ nên quyết định gõ cửa bác sĩ Uông Lương Minh, một chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình ở Vũ Hán để đạt được nguyện vọng. Tuy nhiên, ngày 15/11/2010, khi phẫu thuật gọt cằm, bác sĩ đã để xảy ra sự cố: máu trào vào họng khiến Vương Bối chết ngay trên bàn mổ vì tức thở.

Giải phẫu thẩm mỹ đã thu hút rất nhiều ngôi sao làng giải trí. Tuy nhiên nhiều người đã bị xấu đi, thậm chí hỏng khuôn mặt do dao kéo của các bác sĩ.

Theo báo Thanh niên Trung Quốc ngày 13/4/2015, cơ quan hữu quan Hàn Quốc cho biết: năm 2014 có tới 56 ngàn người Trung Quốc tới quốc gia này để phẫu thuật thẩm mỹ, sau 4 năm số người Trung Quốc sang phẫu thuật đã tăng hơn 20 lần, hiện vẫn tăng với mức 15%/năm. Hiện đang tồn tại nhiều trung tâm môi giới chui đưa người sang Hàn Quốc giải phẫu qua con đường du lịch.

Báo Hàn Quốc cho biết các trung tâm môi giới của Trung Quốc thu tới 30-50% chi phí giải phẫu thẩm mỹ của mỗi khách hàng. Mỗi khách hàng Trung Quốc phải trả khoản tiền cao gấp 2-3 lần người Hàn Quốc cho cùng một hạng mục giải phẫu.

Tân Hoa xã đã tiến hành điều tra các cơ sở thẩm mỹ viện ở Thượng Hải thì thấy: mùa hè các sinh viên đổ xô tới các mỹ viện để làm đẹp, trong đó 75% là nữ sinh, nhưng mức tăng hàng năm của nữ sinh chỉ 10%, còn nam sinh thì tới 20%. Qua điều tra các sinh viên 3 trường đại học lớn ở Băc Kinh, Nam Kinh và Thiên Tân thì có tới hơn 16% bày tỏ muốn đi giải phẫu thẩm mỹ.

Đài truyền hình trung ương CCTV đã thăm dò ý kiến của 20 ngàn người đã và định giải phẫu thẩm mỹ thì 59,7% cho biết họ làm do quan niệm “tuyển người qua diện mạo”, 38% do muốn tăng ấn tượng, nâng khả năng cạnh tranh, 22,5% muốn cải tạo diện mạo để tìm được đối tượng yêu đương tốt hơn. 10 năm trước, đa số người đi phẫu thuật thẩm mỹ thuộc độ tuổi 40-50, còn hiện nay chủ yếu là thanh niên tuổi 18-25 và 95% là nữ.

Hiện có tới 60% số người đi phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc tìm đến các cơ sở không phép, khó kiểm soát về thuốc men, hóa chất nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.