Hàng triệu bệnh nhân phải chờ

TP - Hàng triệu bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi C lẽ ra phải được bảo hiểm y tế thanh toán một phần chi phí tiền thuốc đặc trị. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, bệnh nhân vẫn không được thanh toán vì bảo hiểm chưa có văn bản hướng dẫn.

> Quỹ bảo hiểm y tế sắp vỡ

Bị bỏ rơi

Ngày 11-7-2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BYT. Theo đó, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 25 loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc điều trị viêm gan C với hai hoạt chất Interferon và Peginterferon.

Tuy thông tư có hiệu lực từ 25-8-2011, nhưng đến nay người bệnh vẫn bị từ chối thanh toán hóa đơn.

Hai tháng sau khi điều trị viêm gan siêu vi C theo phác đồ tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân H.V.G, 56 tuổi ở Sóc Trăng đã từ bỏ điều trị với lý do không kham nổi chi phí tiền thuốc.

“Chỉ tiền thuốc cho 2 tháng điều trị lên gần 30 triệu đồng. Tôi còn phải đóng thêm tiền làm các xét nghiệm và dùng thêm thuốc tạo máu cũng hết hơn 2 triệu đồng/tháng nữa”- ông G. cho biết. Là nông dân, ông G. nói dành chừng ấy tiền để trị bệnh là quá sức với gia đình.

“Cách đây 2 tháng, tôi nghe tin điều trị bệnh viêm gan được bảo hiểm y tế thanh toán 80% tiền thuốc, phần còn lại mình chi trả. Không ngờ cơ quan bảo hiểm chưa trả đồng nào”- ông G. kể lại.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận gần 200 bệnh nhân mắc bệnh này đến thăm khám và điều trị.

Tuy nhiên, ngoài những gia đình có kinh tế khá giả, theo đuổi tới cùng việc điều trị, không ít bệnh nhân nghèo giữa đường đứt gánh vì chi phí điều trị quá cao. Tình trạng cũng diễn ra ở khoa gan của Trung tâm Y khoa Medic TPHCM.

Theo thống kê, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 400 người mắc bệnh gan đến thăm khám, trong đó có 130 bệnh nhân bị nhiễm viêm gan C. Tuy nhiên, một phần trong số đó không chọn điều trị bởi chi phí điều trị quá cao.

Chị Nguyễn Thị Thương, 49 tuổi ở Vĩnh Long cho biết, khi biết mắc viêm gan C, chị đến BV Chợ Rẫy điều trị, các bác sĩ bảo phải điều trị theo phác đồ ít nhất 48 tuần với khoảng 200 triệu đồng để mua thuốc.

Do số tiền quá lớn, chị Thương hỏi bảo hiểm có thanh toán như thông tin không, các bác sĩ ở BV Chợ Rẫy lắc đầu. “Họ nói có nghe bảo hiểm thanh toán nhưng đến nay, bệnh viện chưa nhận được hướng dẫn.

Lo bệnh trở nặng, tôi bàn với gia đình vay thêm tiền điều trị”- chị Thương nói. Theo các bệnh nhân, việc bảo hiểm y tế chậm thanh toán một phần chi phí là tước đi quyền lợi của bệnh nhân.

Cứ chờ!

Ngày 10-2-2012, Bảo hiểm xã hội TPHCM có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh “đồng ý thanh toán chi phí thuốc điều trị viêm gan C”.

Tuy nhiên, bệnh viện chưa kịp triển khai thì mới đây, Bảo hiểm xã hội TPHCM lại có công văn gửi các bệnh viện cho rằng, nơi đây chưa thanh toán được hai loại hoạt chất Interferon và Peginterferon do “chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thống nhất về quy trình quản lý người bệnh để đảm bảo điều trị hiệu quả và tiết kiệm”.

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, chi phí điều trị theo phác đồ BV Nhiệt đới xây dựng rất lớn nhưng sợ người bệnh lại không tuân thủ điều trị theo phác đồ từ 48-72 tuần, dễ bỏ giữa chừng vừa làm tốn tiền người bệnh vừa tốn tiền bảo hiểm chi trả mà hiệu quả không có.

Bác sĩ Huyền cũng cho biết thêm, hiện phác đồ điều trị viêm gan C do BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM xây dựng cho tất cả các bệnh viện ở TPHCM. “Chúng tôi chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế thống nhất một phác đồ chung hướng dẫn cho cả nước để có căn cứ thanh toán”- bác sĩ Huyền giải thích.

Trong khi đó, TS-BS Lê Mạnh Hùng- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, với phác đồ chuẩn đưa ra chi phí điều trị cao nhất cho bệnh nhân chỉ hơn 162 triệu đồng/đợt điều trị 48 tuần.

“Chúng tôi đặt ra yêu cầu các bệnh nhân diện bảo hiểm y tế phải bắt buộc điều trị liên tục và tuân thủ theo phác đồ. Có cả giấy cam kết của bệnh nhân”- bác sĩ Hùng nói.

Người này khẳng định, bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh viêm gan C là đúng đắn và nhân bản.

Theo Báo giấy