200 mô hình sinh kế
Ngày 21/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tổ chức hội nghị tổng kết Đề án 3395 ngày 5/12/2022 của UBND huyện về hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.
Bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương, các mô hình sinh kế đã tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể, năm 2023, từ nguồn kinh phí 3 tỷ đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phân bổ, huyện Bảo Lâm đã triển khai thực hiện 200 mô hình sinh kế cho 200 hộ dân là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Hàng trăm mô hình sinh kế này được triển khai thực hiện tại các xã Lộc Nam, Lộc Lâm, Lộc Thành, Lộc Bảo và Lộc Bắc, tạo ra nhiều việc làm, giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước đó, các địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi giúp người dân hiểu được ý nghĩa của mô hình sinh kế để đăng ký, cam kết thoát nghèo. Kế đến là tổ chức bình xét các đối tượng, lập danh sách, giải ngân vốn.
Mỗi hộ dân được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua cây, con giống phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó có các mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng mới chanh dây, tái canh cà phê, xen canh cây sầu riêng, chăn nuôi heo lai, dê đen…
Quá trình triển khai, Ủy ban MTTQ huyện Bảo Lâm đã thành lập tổ công tác theo dõi, hỗ trợ các hộ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Ngành nông nghiệp của huyện và các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân; trong đó chú trọng cách lựa chọn con và cây giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để việc triển khai mô hình đảm bảo tiến độ.
Đến nay, hầu hết các mô hình sinh kế trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã phát huy hiệu quả, số tiền hỗ trợ đúng đối tượng và mục đích. Một số hộ mạnh dạn vay thêm tiền để mua con giống và làm chuồng trại kiên cố.
Trao quyền tự chủ, tự quyết
Theo ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bảo Lâm, đợt này, địa phương có cách tiếp cận mới khi triển khai mô hình sinh kế: Trao quyền tự chủ, tự quyết cho các hộ.
Việc được tự chọn mô hình sinh kế phù hợp và tự thanh quyết toán tài chính khi mua cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khiến các hộ rất phấn khởi. Người dân được chọn cách thức đầu tư phù hợp với sở trường và hoàn cảnh gia đình, mặt khác, không phải mất tiền cho khâu trung gian. Hiệu quả của đồng vốn vì vậy đạt mức khá cao.
Tiêu biểu như hộ bà Ka Riếp ở thôn 3, xã Lộc Bắc. Từ nguồn vốn 15 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình bà làm chuồng trại và mua 4 con dê về chăn nuôi. Thấy chuồng còn rộng chỗ, bà gom góp thêm tiền để mua 2 con dê giống. Vừa qua, một con dê cái đã đẻ lứa đầu tiên.
Một số cán bộ địa phương cho biết, trước đây từng có một số mô hình sinh kế về chăn nuôi nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do con giống được đơn vị chức năng mua ở vùng khác về cấp phát cho các hộ nên không hợp với điều kiện tự nhiên ở Bảo Lâm. Rút kinh nghiệm, lần này, Ủy ban MTTQ huyện để bà con tự chọn mua con giống ngay tại địa phương nên giá rẻ và đảm bảo chất lượng hơn.
Các thức triển khai các mô hình sinh kế như trên đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế của các hộ dân; tạo điều kiện để nhiều gia đình cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở các xã, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Phạm Triều, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao việc triển khai thực hiện mô hình sinh kế cho các hộ nghèo và cận nghèo của huyện. “Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Lâm nên tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế để các hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, ông Triều nhấn mạnh.
Đến nay, huyện Bảo Lâm còn 824 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,44%), trong đó, có 586 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (5,56%). Ngoài ra, toàn huyện có 1.749 hộ cận nghèo (5,18%).