Mấy ngày nay, ông Nguyễn Ngọc Hà- chủ trang trại nuôi cá ở Đảo Xanh, xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), luôn túc trực bên trại nuôi cá; đồng thời, huy động thêm người để vớt số cá chết.
Trang trại cá của ông Hà nằm ở đoạn sông Sêrêpốk, thuộc xã Ea Na. Ông đang có 29 lồng, bè nuôi cá Diêu hồng thương phẩm.
Tuy nhiên, những ngày qua, số cá trong lồng, bè chết rất nhiều, gây thiệt hại nặng nề. Theo ông Hà, trung bình mỗi ngày trang trại của ông chết hơn 1 tấn cá. Dù ông đã dùng nhiều biện pháp để khử khuẩn nhưng tình trạng cá chết vẫn diễn ra.
Ông Hà cho hay, nguyên nhân dẫn đến cá chết do thời tiết quá nóng. Kết quả đo nhiệt độ hàng ngày vào lúc 15h tại khu vực nuôi cá luôn ở mức 37oC. Ngoài ra, nước trên sông không chảy cũng là nguyên nhân cá thiếu ô-xy và chết.
Không riêng trại cá nhà ông Hà, nhiều chủ nuôi cá trên sông Sêrêpốk cũng gặp phải tình trạng cá chết, nổi lềnh bềnh trên sông.
Bà Nay H’Úy – Phó chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, sau khi nắm thông tin cá của các hộ dân nuôi trên sông bị chết với số lượng lớn, địa phương đã trực tiếp trao đổi để nắm bắt nguyên nhân, tình hình; đồng thời hướng dẫn cách xử lý cá chết để tránh tình trạng gây ô nhiễm trên sông cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, trên đoạn sông Sêrêpốk dài khoảng 5km ở xã Ea Na và Buôn Chóa (huyện Krông Nô, Đắk Nông) có gần 20 trang trại nuôi cá trên lồng, bè. Mỗi ngày một lượng lớn cá chết vẫn trôi nổi trên sông Sêrêpốk.
Kết quả quan trắc quanh khu vực nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Krông Ana cho thấy, nguồn nước tại đây có hàm lượng phốt phát vượt mức giới hạn cho phép 2,5 lần; cùng với hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng rất cao (4,9 lần) và sự tồn tại của hiện tảo độc (Ceritium sp) với mật độ cao báo hiệu vùng nuôi có nguy cơ không an toàn, dễ phát sinh bệnh trong quá trình nuôi.
Do đó, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Ana khuyến cáo người nuôi cần di chuyển lồng bè ra khu vực có dòng nước lưu thông tốt hơn, nuôi mật độ vừa phải và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, quản lý chất lượng nước để ngăn chặn khả năng phát sinh bệnh trên thủy sản nuôi trong thời gian tới.
Ngoài ra, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa, đặc biệt về ban đêm cần sục khí liên tục cung cấp thêm ôxy cho bè nuôi; theo dõi tốc độ sinh trưởng và dấu hiệu bệnh lý trên thủy sản nuôi. Đồng thời, báo cáo, phối hợp với cán bộ quản lý chuyên môn xử lý khi thủy sản nuôi có dấu hiệu phát sinh bệnh, dịch bệnh.