Doanh nghiệp đứng tên nhận là Cty CP Thương mại và Dịch vụ STC (gọi tắt là công ty STC, ở 27C Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Ngay lập tức, công ty STC kí hợp đồng với cảng Hải Phòng để bốc xếp và gửi vào bãi cảng Hải Phòng số quặng này.
Tuy nhiên ngày 14-8, công ty STC đột nhiên gửi đến Hội đồng thanh xử lí hàng tồn đọng tại cảng biển Hải Phòng và cảng Hải Phòng công văn với nội dung “xin từ bỏ lô hàng quặng kẽm” do Phó GĐ Nguyễn Anh Tuấn kí.
Lí do STC đưa ra là không liên lạc được với chủ hàng thực ở Trung Quốc cũng như chưa nhận được chứng từ về hàng hóa và các chi phí đã phát sinh cho lô hàng(?)
Gần 5 tháng, hơn 6.458 tấn quặng cao ngất “vứt” bỏ ở Cảng chưa biết xử lí ra sao. “Hiện, mỗi tháng, Cảng Hải Phòng thất thu khoảng 195 triệu đồng tiền phí lưu bãi số quặng này. Cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bãi quặng này nằm chình ình ở đó. Sau mỗi lần mưa, khoảng 20 đến 30 công nhân cảng phải đi moi cống rãnh thu dọn số quặng trôi ra ngoài...”, ông Cao Trung Ngoan, Phó Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng nói.
Để làm rõ lô quặng kẽm hơn 6.458 tấn này, lần theo địa chỉ trên công văn của công ty STC là trụ sở ở 27C Điện Biên Phủ (quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Tuy nhiên, ở 27C Điện Biên Phủ không có tên công STC.
Tìm mãi chúng tôi mới đến được trụ sở của công ty STC ở tầng 6 tòa nhà số 5 đường Lý Tự Trọng (Hải Phòng) nhưng không gặp được lãnh đạo công ty này.
Trách nhiệm thuộc ai?
Trao đổi với PV Tiền Phong ông Cao Trung Ngoan, Phó TGĐ Cảng Hải Phòng nói hiện chưa biết xử lí số quặng này ra sao ngoài việc gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lí theo qui định của pháp luật.
Việc bán số quặng này là rất khó bởi hàm lượng quặng rất thấp nên không có doanh nghiệp nào đứng ra mua. Riêng số tiền chi phí bốc xếp, vận chuyển số quặng này cùng với phí lưu bãi mấy tháng nay ở bãi cảng Hải Phòng cao quá giá trị của số quặng này. Hiện chưa có nhà máy, cơ sở chế biến nào ở Việt Nam xử lí được số quặng kẽm này.
“Nếu phải tổ chức xử lí, tiêu hủy số quặng kẽm này thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền và ảnh hưởng đến môi trường sống không phải là nhỏ...”, ông Ngoan nói.
Một cán bộ ở Hải Phòng cho biết thực chất đống quặng kẽm hơn 6.458 tấn do công ty STC đứng tên nhập khẩu từ Hàn Quốc về vất ở cảng Hải Phòng là một dạng chất thải công nghiệp nặng hay còn gọi là rác thải công nghiệp nguy hại từ nước ngoài đổ vào Việt Nam. Cơ quan chức năng Hải Phòng cần làm rõ trách nhiệm pháp lí đối với công ty STC.
Nếu cơ quan chức năng không khẩn trương có biện pháp cứng rắn thì nguy cơ biến cảng biển khu vực Hải Phòng là cửa ngõ đổ rác thải công nghiệp nguy hại từ nước ngoài vào Việt Nam là hiện hữu.
Từ tháng 5 đến nay, Hải quan Hải Phòng phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra bước đầu 455 container nằm ở cảng biển khu vực Hải Phòng đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan.
Đáng chú ý, 80% số container là hàng hóa vi phạm. Trong đó, hàng trăm container là rác thải công nghiệp nguy hại gồm ắc quy chì, cao su, nhựa phế thải, thiết bị điện tử. Hầu hết đều là hàng tạm nhập tái xuất. Vì vậy, khi chủ hàng thực là người nước ngoài vì lí do gì đó bỏ hàng sẽ gây hậu quả lớn cho đất nước. Khi đó, ngân sách nhà nước phải bỏ ra khá nhiều tiền để xử lí, tiêu hủy và nguy hiểm hơn cả là môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.