Hàng loạt vụ cháy xe do xăng?

Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân gây cháy nổ xe còn có một nguyên nhân là chất lượng xăng kém, xăng được pha với các tạp chất khác như cồn ethanol hay methanol đang lưu hành trên thị trường.

Hàng loạt vụ cháy xe do xăng?

Dịch vụ xe máy thời kỳ… dễ cháy
> Xe bốc cháy trên đường dự lễ Nô-en

Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân gây cháy nổ xe còn có một nguyên nhân là chất lượng xăng kém, xăng được pha với các tạp chất khác như cồn ethanol hay methanol đang lưu hành trên thị trường.

Chiếc xe Loncin của anh Trịnh Thanh Sơn bốc cháy sáng 26-12.

Trong thời gian vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin của báo đài cho biết liên tục xảy ra nhiều trường hợp xe máy bị cháy, nổ. Đã có nhiều ý kiến từ các nhà chuyên môn, chuyên viên kỹ thuật, thợ sửa chữa nhiều năm kinh nghiệm và cơ quan điều tra cũng đang tổ chức giám định nguyên nhân gây cháy nổ.

Coi chừng xăng dỏm

Xăng pha cồn hiện nay được sử dụng phổ biến tại nhiều nước để thay thế loại xăng truyền thống từ sản phẩm dầu thô do tình hình khan hiếm và giá cả tăng vọt trên thị trường thế giới, trong đó đứng đầu là Mỹ và Brazil. Tùy vào tỉ lệ ethanol pha trong xăng ta có xăng E5 (5% ethanol), E10 (10% ethanol), E85 (85% ethanol)...

Khi pha ethanol vào xăng thì có thể tăng được trị số octan của xăng, nghĩa là tăng tính chống kích nổ (do trị số octan của ethanol lên đến 108) và giảm được nồng độ các chất có hại trong khí thải của động cơ như NOx, HC, CO... nghĩa là khí thải sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn, dễ dàng đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn khí thải trên các phương tiện giao thông.

Tuy nhiên khi sử dụng xăng pha cồn cho xe gắn máy hay ôtô cũng còn tồn tại một số bất tiện. Tùy vào tỉ lệ ethanol pha trong xăng động cơ cần phải được cải tiến cho phù hợp như hệ thống nhiên liệu (vật liệu chế tạo các chi tiết của hệ thống nhiên liệu, điều chỉnh lại tỉ lệ hòa khí), hệ thống đánh lửa (góc đánh lửa sớm hơn), tỉ số nén của động cơ...

Do vậy, khi sử dụng xăng pha cồn cho các loại xe thông thường sẽ đưa đến những hư hỏng như nứt vỡ các ống dẫn xăng, hỏng kim ba cạnh của buồng phao làm mức xăng trong buồng phao cao, gây ra tình trạng ngộp xăng và rò rỉ ở bình xăng con, đối với các loại xe phun xăng (FI) thì hư hỏng ống dẫn xăng sẽ nghiêm trọng hơn do áp suất trong ống dẫn xăng cao hơn

(3kg/cm2) và tăng nhiệt độ động cơ. Xăng pha cồn cũng ăn mòn kim loại, đặc biệt là nhôm (carburetor), làm hư hỏng bình xăng làm bằng thép mạ hợp kim chì - thiếc hay bình xăng bằng vật liệu composite, phá hỏng các chi tiết bằng cao su hay plastic (các ống dẫn xăng, vòng, phớt làm kín).

Ở nước ta hiện nay ngoài xăng ethanol E5 được sản xuất và được bán thử nghệm trên thị trường còn có các loại xăng pha cồn khác được pha chế bất hợp pháp nhằm mục đích tăng lợi nhuận và móc túi người tiêu dùng, qua mặt các cơ quan chức năng.

Đối với loại xăng dỏm này, thay vì sử dụng ethanol (C2H5OH) độ tinh khiết cao, pha với một tỉ lệ nhất định bằng những thiết bị chuyên dụng thì người sản xuất sử dụng methanol (CH3OH) có độ tinh khiết thấp chứa nhiều tạp chất và nước pha vào xăng có trị số octan thấp với tỉ lệ lớn và bằng phương pháp thủ công (vì giá thành của methanol thấp hơn nhiều so với ethanol).

Qua các phân tích trên, ngoài những nguyên nhân thông thường gây cháy nổ xe như rò rỉ nhiên liệu, do hư hỏng thông thường trong hệ thống nhiên liệu kết hợp với nguồn nhiệt gây cháy như chập mạch trong dây dẫn điện, các đầu nối dây tiếp xúc kém... còn có nguyên nhân do sử dụng xăng kém chất lượng, xăng dỏm dẫn đến rò rỉ xăng tại carburetor, tại các ống dẫn xăng, bình chứa xăng kết hợp với hư hỏng của hệ thống điện hay nguồn nhiệt từ cổ ống xả khá cao cũng sẽ gây cháy nổ.

Nhiệt độ tại cổ ống xả có thể lên đến 400OC khi xe hoạt động trong điều kiện tải trọng cao với vận tốc thấp như khi kẹt đường hay leo dốc. Nhiệt độ này cao hơn nhiệt độ tự cháy của xăng nên khi gặp xăng rò rỉ thì xe cũng có thể bắt cháy. Trong trường hợp cháy với xăng methanol thì tốc độ và cường độ cháy rất cao, có thể gây nổ vì methanol bay hơi rất mạnh, do đó thiệt hại về người và của rất lớn.

Cần phối hợp từ nhiều phía

Việc phòng chống cháy nổ trên xe gắn máy cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía như: người sử dụng phương tiện, cơ quan quản lý chất lượng xăng dầu, chất lượng xe gắn máy lắp ráp trong nước và nhà sản xuất xe gắn máy. Dưới đây tôi xin đề xuất một số biện pháp phòng chống cháy nổ trên xe gắn máy:

Đối với người sử dụng:

- Không chế thêm các thiết bị điện khác vào hệ thống điện của xe như: đèn pha, còi công suất lớn hay các loại đèn trang trí, thiết bị chống trộm kém chất lượng...

- Sử dụng xăng đúng chất lượng theo yêu cầu của từng loại xe bằng cách chỉ đổ xăng tại các trạm xăng có uy tín chất lượng, tuyệt đối không đổ tại các điểm bán lẻ ở lề đường.

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chú ý phát hiện những hiện tượng bất thường như rò rỉ nhiên liệu hay chập mạch của hệ thống điện (phát hiện mùi xăng rò rỉ hay mùi khét do chập mạch làm cháy cách điện của dây dẫn), chú ý kiểm tra ống xăng tràn trên carburetor xem có lắp đủ và đúng cách hay không.

Đối với cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa:

- Cần thường xuyên kiểm tra chất lượng xăng, dầu tại các cây xăng. Ngoài các chỉ tiêu về độ chính xác về dung tích, chỉ số octan... cần phải kiểm tra các tạp chất có trong nhiên liệu như nồng độ ethanol, methanol, nước lẫn trong xăng...

- Xử lý nghiêm khắc các trường hợp phát hiện vi phạm về chất lượng xăng, dầu.

Đối với nhà sản xuất:

- Cần nâng cao chất lượng các chi tiết của sản phẩm như tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, các vật liệu chế tạo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thích ứng với các loại nhiên liệu đang được sử dụng và lưu hành trên thị trường trong nước.

- Có hướng dẫn chính xác về loại nhiên liệu được phép sử dụng cho sản phẩm của mình như: loại xăng, trị số octan tối thiểu, nồng độ ethanol hay methanol tối đa cho phép.

- Các hướng dẫn này phải được thông báo rõ ràng trong các sổ tay hướng dẫn sử dụng và tại các trạm bảo hành xe gắn máy.

29 xe máy + 1 ôtô

Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm 2011 đến nay, toàn quốc xảy ra 18 vụ cháy nổ xe máy.

Ngoài ra, từ ngày 24-12 đến nay đã có thêm 11 xe máy + một ôtô bị cháy.

Cụ thể:

Đêm 24-12: một xe gắn máy (hiệu Union 150cc) ở Tiền Giang.

25-12: một xe máy (hiệu Luvias thuộc Hãng Yamaha) ở TP.HCM + một xe máy (hiệu Nouvo của Hãng Yamaha) ở Bình Định.

26-12: bốn xe máy ở Hà Nội + một ôtô Lacetti 98H-3832 ở Bắc Giang + một đoạn clip được đưa lên mạng Internet với thông tin về chiếc xe Viva bốc cháy dữ dội trên quốc lộ 18 đoạn Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội và Bắc Ninh phụ trách địa bàn đều không nhận được thông tin trình báo nào của chủ xe.

27-12: cháy ba xe máy (hiệu Wave, Daelim Citi, môtô Daelim) ở TP.HCM.

Thạc sĩ Thi Hồng Xuân
Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại